Tập tục kì lạ khắp năm châu: Nàng dâu bị nhà mẹ đẻ... ném thẳng sang nhà trai

Thành Trung

Ở Vân Nam, Trung Quốc, khi nhà trai đến, một người nhà là anh, em hoặc có họ với cô dâu sẽ ôm ngang lưng cô, một tay giữ phần hông, dùng sức ném cô dâu sang thuyền nhà trai sau tiếng hô: “1,2,3…”.

Vùng núi Ô Long bên bờ sông Tân An thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc có khá nhiều làng chài. Ở đây, dân làng sống với cá, với nước, với thuyền, người ta biết bơi từ trong bụng mẹ. Các gia đình thường lấy vợ cho con trai trước Tết Nguyên đán chừng 10 ngày để đón năm mới và cô dâu mới. Cưới hỏi ở nơi đây phải kèm theo tục lệ “ném cô dâu” trong lễ cưới.

Thuyền cưới nhà trai kết hoa xanh đỏ, áp vào thuyền nhà gái, lá xanh và dây hoa rừng trắng. Ném cô dâu là một động tác vui vẻ, náo nhiệt nhưng không kém phần mạo hiểm. Chỉ cần không thận trọng một chút sẽ làm cho cô dâu và cả người ném có thể bị ngã và rơi xuống nước. Đó là điềm không may cho cả hai gia đình và làm cho ngày Tết mất vui.

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Nàng dâu bị nhà mẹ đẻ... ném thẳng sang nhà trai - Ảnh 1

Người ném cô dâu phải là người khoẻ mạnh, nhanh trí, dám đảm đương trọng trách. Khi ném cô dâu, một chàng trai là anh, em hoặc có họ với cô dâu sẽ ôm ngang lưng cô, một tay giữ phần hông, dùng sức ném cô dâu sang thuyền nhà trai sau tiếng hô: “1,2,3…”.

Khi cô dâu được ném sang thuyền nhà trai, chú rể là người giang tay ra đỡ. Nếu chú rể không là người đỡ trực tiếp thì một người anh, em nào đó của chú rể phải đỡ lấy cô dâu nhưng khi vừa đỡ xong, ngay lập tức phải chuyển cô dâu sang cho chú rể đứng bên cạnh một cách nhanh chóng nhất.

Đôi khi cô dâu không muốn người ném mình sang thuyền nhà trai là một người trẻ trung, mà muốn người ném mình phải là một người đứng tuổi. Nhưng người đứng tuổi như vậy thì thường không đủ sức khỏe. Vậy nên, việc này cần phải bàn bạc, lựa chọn kĩ lưỡng và phải được sự đồng ý của cô dâu.

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Nàng dâu bị nhà mẹ đẻ... ném thẳng sang nhà trai - Ảnh 2

Trong tục lệ "ném cô dâu", thuyền nhà trai cho nổ 3 phát pháo. Phát đầu tiên là pháo chào mừng báo trước việc chuẩn bị đón cô dâu. Phát tiếp theo là báo cho biết việc ném cô dâu có thể bắt đầu và phát cuối là phát kết thúc khi nhà chồng đỡ được cô dâu. Bên thuyền nhà gái nổ 2 phát pháo. Một là pháo đưa cô dâu về nhà chồng, phát thứ hai là hoàn thành việc trao gửi.

Sau nghi lễ truyền thống, mọi người đều trở về làng chài, đẩy ra cho cô dâu và chú rể một chiếc thuyền nhỏ có đủ thức ăn dùng trong mấy ngày. Cô dâu và chú rể bơi lên thuyền rồi di chuyển đến một nơi khuất nẻo, hoang vu, sống với nhau suốt mấy ngày đó. Cuối cùng, cặp vợ chồng sẽ trở về nhà với bố mẹ vào ngày 23 tháng Chạp để chuẩn bị Tết.