Thị trường thanh lý hàng trả trị giá 644 tỷ USD: Khi những món đồ bị từ chối thành mỏ vàng cho người biết nắm bắt cơ hội

Như Quỳnh

Thanh lý hàng bị trả lại là ngành kinh doanh không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn giúp giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường.

Bên trong nhà kho rộng hơn 12.000 m2 của Liquidity Services ở Texas (Mỹ), những lối đi tràn ngập các món hàng bị trả lại từ Amazon, Target, Sony, Home Depot, Wayfair,... đang trong quá trình thanh lý.

CEO Bill Angrick đưa phóng viên tham quan nhà kho của Liquidity Services ở Texas (Mỹ). Ảnh: CNBC.
CEO Bill Angrick đưa phóng viên tham quan nhà kho của Liquidity Services ở Texas (Mỹ). Ảnh: CNBC.

“Các nhà thanh lý đến và mua đồ bị trả lại với số lượng lớn. Sau đó, họ sẽ đóng gói đồ một lần nữa và bán lại nó, có thể là trên một trang web như eBay, Poshmark hoặc thậm chí cho người tiêu dùng cá nhân. Ngành bán lại đồ thanh lý đang lớn hơn nhiều so với những thứ chúng ta từng thấy trước đây", tư vấn viên Sonia Lapinsky đến từ AlixPartners cho biết.

Cơn đau đầu với các nhà bán lẻ

Thị trường hàng thanh lý đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008, đạt giá trị khổng lồ 644 tỷ USD vào năm 2020, theo dữ liệu từ Đại học Colorado.

"Rất nhiều hàng thanh lý từng bị mafia kiểm soát. Thành thật mà nói, đây là cách giấu tiền tốt bởi vì chẳng ai quan tâm đến hàng thanh lý cả, đặc biệt là 40 năm trước", Zac Rogers, trợ lý giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Colorado nói. 

Thế nhưng vào năm 2021, chỉ riêng tại Mỹ, lượng hàng hóa bị trả lại đã tăng từ 10,6% trong năm 2020 lên mức kỷ lục 16,6%. Đối với hàng mua trực tuyến, tỷ lệ trả lại trung bình thậm chí còn cao hơn, ở mức 20,8%, so với 18% vào năm 2020. Xử lý hàng trả lại có thể khiến các nhà bán lẻ tốn tới 66% giá gốc của một mặt hàng, theo công ty giải pháp trả hàng Optoro.

“Tôi cho rằng một phần nguyên nhân gây ra lạm phát là do số lượng hàng bị trả lại khổng lồ này. Các công ty phải bán lỗ hàng bị trả, làm giảm lợi nhuận vốn có và buộc họ phải tăng giá”, Tony Sciarrotta, CEO Hiệp hội Reverse Logistics nhận định. 

Chưa dừng lại ở đó, chi phí môi trường gây ra bởi hàng bị trả lại cũng cực kỳ lớn. Những món hàng trả lại không được thanh lý thường bị tiêu hủy bằng cách đốt hoặc gửi đến các bãi chôn lấp. Optoro ước tính chỉ riêng hàng trả lại ở Mỹ đã tạo ra 16 triệu tấn khí thải carbon và 2,6 tỷ kg chất thải chôn lấp mỗi năm.

Mỏ vàng cho những người biết nắm bắt cơ hội

Cơn đau đầu với các nhà bán lẻ truyền thống nay là mỏ vàng cho các nhà thanh lý. Hiện nay có hàng ngàn công ty trong ngành đang hoạt động. Nổi bật trong số đó là GoodBuy Gear, chuyên thanh lý các mặt hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

“Mua một món đồ đã qua sử dụng giúp tiết kiệm được 82% lượng khí thải carbon và người tiêu dùng đang bắt đầu đưa ra những lựa chọn thông minh”, Kristin Langenfeld, đồng sáng lập kiêm CEO GoodBuy Gear cho biết.

Người mua xếp hàng tìm mua các món đồ bị trả lại ở các cửa hàng thanh lý. Ảnh: Treasure Hunt Liquidators.
Người mua xếp hàng tìm mua các món đồ bị trả lại ở các cửa hàng thanh lý. Ảnh: Treasure Hunt Liquidators.

Mặc dù thị trường đang bùng nổ, hiện Liquidity Services vẫn là công ty lớn duy nhất hoạt động trong ngành thanh lý được giao dịch công khai. Công ty được thành lập năm 1999 bởi Bill Angrick và lên sàn năm 2006. Cổ phiếu công ty đạt đỉnh vào năm 2012 và giảm nhẹ trong những năm tiếp theo trước khi hồi sinh trong đại dịch Covid.

Một công ty lớn khác là B-Stock Solutions, chuyên thanh lý hàng hóa có thương hiệu rõ ràng cho các khách hàng lớn như Amazon, Walmart, Home Depot và Costco. Howard Rosenberg thành lập B-Stock sau sáu năm làm việc tại eBay, nơi ông nhìn thấy lợi ích từ việc thanh lý hàng cho các nhà bán lẻ trên quy mô lớn.

Tân trang hàng bị trả lại

Danh sách mặt hàng của Liquidity Services rất phong phú, từ những món đồ bình thường như thiết bị lát đường, đồng phục,... đến các món đồ lớn như xe tải, thiết bị xây dựng. 

Liquidity Services còn giúp Bưu điện Mỹ xử lý thư và gói hàng không có người nhận, xe quân sự hết hạn sử dụng và các vật phẩm bị bỏ lại tại hải quan.

Một nhân viên Liquidity Services đang tân trang lại TV. Ảnh: CNBC.
Một nhân viên Liquidity Services đang tân trang lại TV. Ảnh: CNBC.

Với thiết bị điện tử, nhiều hàng trả lại bị hỏng và không thể bán lại ngay. Liquidity Services phải tân trang hàng trăm chiếc TV mỗi ngày để bán lại với giá từ 60% đến 70% so với giá gốc. Các thiết bị điện tử tân trang đang ngày càng được ưa chuộng trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Thậm chí, có trường hợp Liquidity Services còn tân trang lại cả những máy móc sử dụng để sản xuất vi mạch trị giá hàng triệu USD.

“Chúng tôi từng được nhiều công ty thuộc top Fortune 500 tiếp cận để mua lại thiết bị đã qua sử dụng bởi vì thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với việc mua mới", ông Angrick tự hào kể lại.

Các ông lớn tham gia

Nhận thấy tiềm năng hàng tỷ USD từ việc thanh lý hàng trả lại, nhiều nhà bán lẻ đang chuyển sang bán trực tiếp các mặt hàng cũ được tân trang.

Amazon hiện dành riêng một phần trên trang chủ dành cho những loại hàng này. Họ ra mắt 'Warehouse Deals' cho hàng đã qua sử dụng, 'Amazon Renewed' cho các mặt hàng tân trang, 'Amazon Outlet' bán hàng thừa tồn kho và 'Woot' chuyên bán lại các mặt hàng thường ngày giá rẻ.  

Nhà kho phân loại hàng đã qua sử dụng của Amazon. Ảnh: BBC.
Nhà kho phân loại hàng đã qua sử dụng của Amazon. Ảnh: BBC.

Best Buy cũng có một cửa hàng trực tuyến bán các thiết bị điện tử đã qua sử dụng và HP có một cửa hàng bán máy tính được tân trang lại.

“Sau khi tân trang lại, chúng tôi thu hồi vốn rất tốt, có thể là 80% đến 100% tùy thuộc vào tính thời vụ trên thị trường. Ngay bây giờ, thị trường đang rất mạnh vì nguồn cung đang thiếu hụt”, Julie Ryan, giám đốc HP khu vực Bắc Mỹ, chia sẻ.

“Các chuỗi cửa hàng nhỏ như Big Lots, Bargain Hunt, Ollie’s Bargain Outlet và sau đó là eBay, thậm chí cả Amazon đều đã vào cuộc. Họ đang bán hàng bị trả lại cho chính người tiêu dùng”, Sciarrotta - CEO Hiệp hội Reverse Logistics cho biết.