Thiếu hụt chip và tác động đến các hãng xe ở Việt Nam

Trước tác động của dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra ở mức độ toàn cầu khiến nhiều hãng xe trên thế giới phải tạm dừng sản xuất, giãn thời gian bàn giao xe cho khách hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều hãng xe cho rằng, ảnh hưởng của việc thiếu hụt chip là không đáng kể, vẫn đảm bảo việc hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như bàn giao xe cho khách hàng đúng tiến độ.

Chi phí sản xuất có xu hướng tăng

Ông Daiki Mihara, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết, việc thiếu chip là vấn đề ảnh hưởng mang tính toàn cầu về cung ứng phụ tùng khiến nhiều nhà sản xuất phải tạm ngừng hoặc giảm lượng xe mới.

Tuy nhiên, việc thiếu chip bán dẫn hiện tại chưa có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và lắp ráp xe ô tô của Honda Việt Nam nên nguồn xe ra thị trường vẫn được đảm bảo.

Nếu sau này có ảnh hưởng, Công ty sẽ tìm cách đối ứng để mức độ ảnh hưởng là nhỏ nhất. Do đó, Honda Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và giảm thiểu ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng.

Thiếu hụt chip và tác động đến các hãng xe ở Việt Nam - Ảnh 1

Cùng chung quan điểm trên, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của việc thiếu hụt chip bán dẫn phục vụ cho sản xuất lắp ráp các mẫu xe trong nước là không đáng kể, các đại lý vẫn nhận đơn đặt hàng của khách và giao xe đúng thời hạn.

Với mẫu xe nhập khẩu về phân phối phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, nhưng hiện tại Toyota vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điển hình như mẫu xe đang hút khách là Corolla Cross sau thời gian để khách hàng phải chờ đợi, nhưng hiện nay các đại lý bàn giao xe đúng kế hoạch và sắp tới nguồn cung có thể dồi dào hơn.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Suzuki Toshiyuki Takahara cho hay, các mẫu xe sản xuất trong nước của liên doanh này gồm có Carry Truck, Blind Van và ô tô nhập khẩu là Swift, XL7, Ertiga và Ciaz có bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn cung chip. Tuy nhiên, Việt Nam Suzuki đang cố gắng sản xuất và cung cấp đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường bằng việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho việc cung ứng trong tương lai.

Liên quan đến thông tin cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung chip sẽ khiến lượng xe lắp ráp trong nước đưa ra thị trường giảm sút và có thể sẽ tăng giá, nhất là xe nhập khẩu, ông Toshiyuki Takahara cho rằng, chi phí sản xuất ô tô đang có xu hướng tăng cao hơn trên toàn thế giới. Do đó, Việt Nam Suzuki sẽ nỗ lực tối đa để giảm việc tăng chi phí nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm giá trị.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Daiki Mihara cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng mang tính toàn cầu về cung ứng phụ tùng nên Honda Việt Nam sẽ đối ứng linh hoạt nhất. Hiện tại, mức độ ảnh hưởng đang được kiểm tra, tìm hiểu kỹ lưỡng, sau đó sẽ giảm tối đa mức độ ảnh hưởng và cân nhắc đưa ra các đối sách thích hợp, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng.

Với "tân binh" VinFast, trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup diễn ra mới đây, một trong những nội dung chính được nhiều người quan tâm đó chính là mảng xe ô tô điện của VinFast trong bối cảnh toàn cầu đang lâm vào tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề cập: "Ngay trong năm tới đây, nếu không vì thiếu chip, Vingroup dự kiến bán khoảng 56.000 xe, nhưng do thiếu chip nên kế hoạch phải co lại còn 15.000 xe".

Như vậy, trong năm 2022, lượng xe dự kiến bán ra của VinFast sẽ giảm tới gần 4 lần đồng nghĩa với việc hiệu suất sản xuất ô tô điện của hãng xe Việt sẽ gặp ảnh hưởng trong năm 2022 vì thiếu hụt nguồn cung chip.

Sẽ tiếp đà tăng trưởng

Theo giới chuyên gia về lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, ngành sản xuất ô tô phụ thuộc vào chip từ hệ thống điều khiển ECU đến hệ thống hỗ trợ người lái. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe.

Đặc biệt một chiếc xe càng hiện đại, sử dụng nhiều công nghệ phức tạp như xe chạy điện hoặc xe hybrid thì lượng chip tốn có thể sở hữu đến con số 3.000. Trong khi đó, hiện nay, gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra đầy đủ được một con chip, gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất... mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Do phụ thuộc từ nước ngoài nên khi thị trường bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19, hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các công ty công nghệ hoặc do Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC - nhà sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) chiếm hơn nửa sản lượng chip bán dẫn của thế giới vừa gặp phải đợt hạn hán (vì cần rất nhiều nước để sản xuất chip) kéo dài tồi tệ nhất trong 56 năm ở có thể tác động tới nguồn cung chip bán dẫn trên toàn cầu.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, dù hàm lượng trang bị công nghệ cao đôi khi không bằng ở các thị trường Mỹ hay châu Âu nhưng các xe cả lắp ráp và nhập khẩu tại Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip này. Thế nhưng các doanh nghiệp không tiết lộ mức độ ảnh hưởng.

Hơn nữa, khi so sánh dung lượng thị trường trong các nước ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Thái Lan có sản lượng ô tô lớn nhất đạt trên 2 triệu xe/năm, Indonesia đạt hơn 1 triệu xe/năm, Malaysia trên 500.0000 xe/năm.

Còn tại Việt Nam quy mô thị trường ô tô mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia chứ chưa nói đến sản lượng. Dung lượng thị trường nhỏ lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau và cả sản xuất lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu nên có tác động cũng không nhiều như các quốc gia khác.

Theo giới chuyên gia, tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chip bán dẫn có thể kéo dài tới hết năm nay trên toàn cầu, thậm chí sang nửa đầu năm 2022. Điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của các hãng xe trong thời gian tới và sẽ khiến ngành ô tô khó có thể tăng trưởng như mong muốn và Việt Nam cũng không nằm trong số đó.

Tuy nhiên, dự báo về thị trường ô tô những tháng cuối năm và cả năm 2021 ông Toshiyuki Takahara tin rằng tình hình kinh doanh sẽ tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhưng trước mắt chưa thể nói trước được điều gì do sự lây lan của dịch Covid-19.

Trong khi đó, ông Daiki Mihara cho rằng, vẫn còn một số khó khăn nhất định do tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế. Tuy vậy, với những chính sách hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ, thị trường ô tô sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm nay.

Tin Cùng Chuyên Mục