Từ lao công trở thành tỷ phú ở tuổi 44 nhờ xây dựng siêu ứng dụng du lịch

Như Quỳnh

Lee là người mới nhất gia nhập nhóm tỷ phú tự thân ngày càng tăng ở Hàn Quốc, nơi các tập đoàn tài phiệt vốn chiêm ưu thế trong hàng chục năm qua. 

Khi nhiều quốc gia mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, siêu đại lý du lịch Hàn Quốc Yanolja đã công bố mức tăng trưởng doanh số quý I/2022 ấn tượng trong bối cảnh công ty chuẩn bị ra mắt công chúng.

Báo cáo tài chính mới nhất cũng tiết lộ cổ phần của người sáng lập Lee Su-jin trong công ty, qua đó xác nhận ông Lee đã chính thức dành được danh hiệu tỷ phú. 

Lee Su-jin (44 tuổi) là CEO Yanolja và là cổ đông lớn thứ hai với 16,54% cổ phần, vợ và hai con gái Lee mỗi người sở hữu 5,18% cổ phần. Cổ đông lớn nhất tại Yanolja là quỹ Softbank Vision 2 sau khi quỹ này chi 1,7 tỷ USD mua 25,23% cổ phần vào tháng 7/2021, định giá Yanolja ở mức 6,7 tỷ USD.

Sau vòng tài trợ đó, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng mà Lee và gia đình sở hữu là 2 tỷ USD. Con số thậm chí có thể còn lớn hơn do Forbes áp dụng mức giảm 10% mỗi khi định giá các công ty tư nhân. 

Ông Lee Su-jin. Ảnh: Bloomberg.
Ông Lee Su-jin. Ảnh: Bloomberg.

Được thành lập vào năm 2005, Yanolja có nghĩa là “Cùng chơi nào” trong tiếng Hàn. Công ty đã mở rộng từ khách sạn lưu trú ngắn ngày sang vận chuyển và gần đây là phần mềm điện toán đám mây giúp các khách sạn và công ty du lịch số hóa quy trình kinh doanh. Công ty ghi nhận doanh thu quý đầu tiên tăng 19% so với cùng kỳ lên 100,5 tỷ won (80 triệu USD), trong khi thu nhập ròng giảm nhẹ xuống từ 9 tỷ won còn 8,8 tỷ won trong cùng kỳ.

Phần lớn doanh thu tại Yanolja đến từ tiền hoa hồng đặt phòng, phí mà các khách sạn và công ty du lịch mua để đặt quảng cáo trên nền tảng. Trong những năm gần đây, Yanolja đã và đang mở rộng hoạt động kinh doanh dựa trên đám mây, chẳng hạn như hệ thống quản lý giúp khách sạn quản lý đặt phòng và phân tích dữ liệu lớn dự đoán hành vi của khách hàng.

Trong quý I/2022, doanh thu từ hoạt động điện toán đám mây chiếm 20,5% tổng doanh số bán hàng tại Yanolja, tăng từ khoảng 8,5% vào quý I/2021.

Hồi tháng 4, truyền thông địa phương đưa tin Yanolja đang có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq vào quý 3 năm nay. Ngoài SoftBank, các nhà đầu tư khác của Yanolja bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, công ty du lịch trực tuyến Booking.com và SkyLake Investment, một công ty cổ phần tư nhân của Hàn Quốc do cựu giám đốc điều hành Samsung Electronics Chin Dae-je lãnh đạo.

Giống như người sáng lập Kakao Kim Beom-su, người dẫn đầu danh sách tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc năm nay, con đường thành công của Lee Su-jin cũng rất được chú ý. 

Mồ côi khi còn nhỏ, Lee làm công việc dọn vệ sinh tại các khách sạn trước khi thành lập Yanolja. Sau khi có bằng cử nhân kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Kongju, Lee tận dụng các mối quan hệ với các nhà cung cấp giấy vệ sinh và chủ khách sạn khi còn làm lao công để thành lập Yanolja.

Lee là người mới nhất gia nhập nhóm tỷ phú tự thân ngày càng tăng ở Hàn Quốc, nơi các tập đoàn tài phiệt vốn chiếm ưu thế trong hàng chục năm qua. Một ví dụ khác phải kể đến Lee Seung-gun - người sáng lập siêu ứng dụng fintech Viva Republica. 

Theo Forbes, Lee Seung-gun đã bỏ nhà ra đi để thành lập công ty khởi nghiệp bất chấp cha mẹ ngăn cản. Ông trở thành tỷ phú vào năm ngoái, sau vòng tài trợ trị giá 410 triệu USD định giá Viva Republica ở mức 7,4 tỷ USD. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục