Ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Mark Zuckerberg "khiêu chiến" đối thủ Apple

Kim Dung

Một quảng cáo gần đây của Meta nhắm vào tính năng độc quyền của Apple, khơi dậy sự cạnh tranh giữa hai ông lớn ngành công nghệ của thế giới.

CEO Meta Mark Zuckerberg vừa tung ra một chiến dịch quảng cáo mới nhắm vào nền tảng iMessage của nhà Apple.

Cụ thể, ngày 18/10, nhà sáng lập Facebook đã chia sẻ trên Instagram cá nhân bức ảnh chụp một quảng cáo mới đang phát tại nhà ga Penn ở New York. Ông cũng thẳng thắn chia sẻ “WhatsApp bảo mật tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với iMessage với công nghệ mã hóa đầu cuối trên cả iOS, Android và các group chat”.

Mã hóa đầu cuối là công nghệ bảo mật giúp bảo vệ toàn diện nội dung tin nhắn. Chỉ người gửi và người nhận đọc được tin nhắn. Nhà cung cấp dịch vụ không thể nhìn thấy nội dung trao đổi của người dùng và cũng không thể cung cấp dù có yêu cầu pháp lý.

Bài chia sẻ chỉ trích Apple của Mark Zuckerberg trên Instagram.
Bài chia sẻ chỉ trích Apple của Mark Zuckerberg trên Instagram.

Bảng quảng cáo cho ứng dụng WhatsApp cũng cho thấy vị tỷ phú trẻ đang trực tiếp "chê" iMessage. Hai đoạn tin nhắn màu xanh dương và xanh lá đặc trưng của nhà Apple đều hiển thị nội dung trong khi đoạn tin nhắn màu trắng của WhatsApp được bảo mật hoàn toàn.

Thực tế, cả WhatsApp và iMessage đều đã sử dụng công nghệ mã hóa đầu cuối. Tuy nhiên, tin nhắn của ứng dụng nhà Táo lại phân chia thành hai loại: màu xanh dương dành riêng cho tin nhắn có được mã hóa, màu xanh lá là tin nhắn SMS không được mã hóa. Tin nhắn SMS vẫn được lưu trữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ di động. Đồng thời, tin nhắn vẫn có thể được sao lưu trên thiết bị di động và bị "bại lộ".

Zuckerberg đặc biệt nhấn mạnh WhatsApp đã cho ra mắt công nghệ mã hóa cả bản sao lưu từ năm ngoái, đây chính là điều mà iMessage chưa làm được. Ngoài ra, ông đề cập đến một tính năng khác của  WhatsApp cho phép người dùng gửi tin nhắn tự xóa. Đồng thời, Meta cũng đang tiến hành nghiên cứu mã hóa đầu cuối cho các tin nhắn trên ứng dụng Instagram.

Các chuyên gia bảo mật vẫn luôn khuyến cáo, khi tin nhắn không được mã hóa, cơ quan thực thi pháp luật có thể truy cập lịch sử nhắn tin trên thiết bị chạy iOS. Khi đó, quyền riêng tư của người dùng có thể bị đe họa.

Meta đã coi Apple là đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm, trước khi công ty mẹ Facebook bắt đầu chuyển sang phát triển phần cứng như tai nghe VR Headset.

Không chỉ riêng Meta, Google cũng từng chỉ trích Apple bởi những tin nhắn màu xanh lá cây. Những tin nhắn màu xanh dương biểu thị người gửi và nhận đều sử  tính năng iMessage độc quyền trên hệ điều hành iOS, trong khi màu xanh lá là tin nhắn được gửi từ thiết bị sử dụng hệ điều hành Android theo hình thức tin nhắn truyền thống và không được bảo mật. Google cho rằng Apple đang "phân biệt đối xử" và mang lại trải nghiệm kém cho người dùng.

Google cũng đã gợi ý nhà Táo sử dụng RCS (Rich Communication Services), một hệ thống nhắn tin giữa các nhà mạng di động dựa trên Internet phù hợp tiêu chuẩn hiện đại với các tính năng mới và cải tiến vấn đề mã hóa.

Thế nhưng dường như Apple đã bỏ qua lời khuyên này. Tại hội nghị diễn ra hồi tháng 9, một khán giả đã hỏi Tim Cook liệu Apple có cân nhắc sử dụng RCS không. Anh ấy không thể gửi video cho mẹ vì những hạn chế của tính năng nhắn tin SMS. CEO của Apple cho rằng, người dùng của Apple không yêu cầu cải tiến và cách để giải quyết vấn đề của vị khán giả là hãy mua một chiếc iPhone.

Tin Cùng Chuyên Mục