Vì sao FE Credit được mua với giá "khủng"?

Quỳnh Chi

Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui đã chi xấp xỉ 1,4 tỷ USD để mua 49% vốn của FE Credit, xác lập kỷ lục về thương vụ bán vốn công ty tài chính tại Việt Nam.

Hôm nay, tại Hà Nội, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) để ký thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

VPBank cho biết, thương vụ được hoàn thành với sự hỗ trợ của Công ty Chứng khoán Bản Việt, Ngân hàng Credit Suisse và Công ty tư vấn luật YKVN.

Hãng tin Nhật Bản Nikkei Asia thông tin khoản đầu tư của Tập đoàn SMBC vào FE Credit có giá trị 920 triệu USD. Tuy nhiên, phía VPBank phản hồi rằng con số mà hãng tin Nhật Bản này đưa ra là chưa chính xác.

VPBank cho biết, mức định giá để bán FE Credit là 2,8 tỷ USD. Như vậy, SMBCCF đã chi ra khoảng 1,37 tỷ USD để sở hữu 49% vốn FE Credit.

Đại diện VPBank cho biết, FE Credit kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ SMFG, đặc biệt là từ SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản.

Thông cáo của VPBank khẳng định giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho ngân hàng góp phần nâng cao tiềm lực tài chính để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.

Đối với SMBC, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của tập đoàn.

Chiều nay (28/4), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp ông Masahiro Yoshimura - Giám đốc điều hành kiêm Tổng trưởng quản lý Ngân hàng đầu tư toàn cầu của Tập đoàn SMBC. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đã hoan nghênh khoản đầu tư của SMBC vào FE Credit, đồng thời đề nghị SMBC phối hợp chặt chẽ với VPBank hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Mức định giá hoàn toàn có cơ sở

Có thể nói mức định giá này không phải không có lý do. FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu về thị phần tại Việt Nam với khoảng 50%, bằng tất cả các công ty tài chính khác công lại. Doanh nghiệp này có 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên.

Năm 2020, FE Credit đạt thu nhập hoạt động hơn 18.200 tỷ đồng, trong đó trên 17.200 tỷ là thu nhập lãi thuần. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đến cuối năm, công ty này có tổng tài sản hơn 73.300 tỷ với dư nợ cho vay khách hàng trên 66.000 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank đã lên kế hoạch bán FE Credit - công ty cho vay tiêu dùng từ năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng đã hủy bỏ kế hoạch do tại thời điểm đó, FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng từng nhận định rằng việc bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Một đối tác chiến lược nước ngoài với FE Credit có thể cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro. Thương vụ này sẽ kết hợp được nguồn lực giữa FE Credit và đối tác chiến lược, từ đó củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp. Hai năm gần đây, FE Credit chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của VPBank.

Sau khi nghiên cứu các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực sở hữu hoạt động kinh doanh và phân khúc sản phẩm tương tự, VNDirect đánh giá FE Credit có thể đạt được mức P/BV mục tiêu 3,5 - 4,0 lần (mức thấp nhất trong các doanh nghiệp khu vực có ROE tương đương) cho thương vụ chiến lược này, tương đương định giá công ty đạt 2,3 - 2,6 tỷ USD.

Nguồn vốn tăng thêm sẽ đem lại nhiều phương án sử dụng, như thúc đẩy quy mô cho vay của ngân hàng mẹ, đầu tư vào ngân hàng điện tử,...

Vì sao FE Credit được mua với giá "khủng"? - Ảnh 1

FE Credit đã thành công trong việc tận dụng sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng giai đoạn đầu. Dù chính thức gia nhập thị trường tiêu dùng muộn hơn so với các đối thủ, công ty cho vay tiêu dùng này đã nhanh chóng chiếm được thị phần bằng chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ. FE Credit đã duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn 2015 - 2020, với tổng dư nợ cho vay trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần giai đoạn này.

Vì sao FE Credit được mua với giá "khủng"? - Ảnh 2

Tin Cùng Chuyên Mục