Vì sao TPBank rót hơn 100 tỷ đồng mua lại một công ty 16 năm không tăng vốn?

Trung Hiếu

Cuối tháng 11 vừa qua, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) thông báo được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.

Vì sao TPBank rót hơn 100 tỷ đồng mua lại một công ty 16 năm không tăng vốn?
Vì sao TPBank rót hơn 100 tỷ đồng mua lại một công ty 16 năm không tăng vốn?

TPBank chi hơn 100 tỷ đồng mua lại quỹ Việt Cát

CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), hoạt động 16 năm mà không tăng vốn, đang gây chú ý khi sắp được TPBank rót tối đa 125 tỷ đồng; ngoài ra còn thương vụ dự chi 600 tỷ đồng để mua cổ phiếu riêng lẻ của Hoàng Anh Gia Lai. Thực tế, chỉ gần đây sau khi lọt vào danh sách các nhà đầu tư dự kiến mua cổ phiếu của HAG, quỹ Việt Cát mới được dư luận chú ý tới.

Theo đó, trong ngày 23/11, CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã công bố danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 3 nhà đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 5,67% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn); Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,73% vốn điều lệ; và ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 1,89% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, HAGL đã công bố thông tin về việc huỷ để cập nhập lại danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã thông qua và công bố ngày 23/11 với lý do danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán có sai sót do sơ suất trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh. Xuất hiện chớp nhoáng trong một kế hoạch được cổ đông HAGL quan tâm, cái tên quỹ Việt Cát vẫn khiến nhiều người chú ý.

Trong một diễn biến gần nhất, vào ngày 24/11, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) thông báo được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của TPBank đã thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Theo TPBank, việc mua lại công ty quản lý quỹ nằm trong chiến lược phát triển của nhà băng giai đoạn 2023 – 2028 và tầm nhìn đến 2035, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính hiện đại có độ bao phủ ở các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi được chấp thuận, TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần vào VFC.

Quỹ Việt Cát kinh doanh ra sao?

CTCP Quản lý quỹ Việt Cát được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. VFC cung cấp dịch vụ quản lý quỹ và dịch vụ danh mục đầu tư theo yêu cầu cụ thể cho các khách hàng có nhu cầu đầu tư riêng biệt. Trụ sở của Việt Cát hiện nay nằm ở tòa nhà Doji, số 5 Lê Duẩn, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP Hà Nội.

VFC được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh bao gồm quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. VFC có vốn điều lệ 25 tỷ đồng từ những ngày đầu, do 9 cổ đông sáng lập (8 cá nhân và 1 tổ chức); trong đó, ông Phạm Sĩ Hải sở hữu 18% vốn, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Cơ cấu cổ đông của VFC không có sự thay đổi cho đến cuối năm 2014 - thời điểm chứng kiến sự chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu cho nhóm cổ đông mới, gồm bà Nguyễn Thanh Hương sở hữu 18%.

Các vị trí lãnh đạo cũng theo đó thay thế toàn bộ từ ngày 13/10/2014. Chức Chủ tịch thuộc về bà Nguyễn Thanh Hương và chức Tổng Giám đốc thuộc về ông Nguyễn Duy Minh. Các chức vụ lãnh đạo tiếp tục thay đổi với việc bà Bùi Thị Thanh Trà trở thành Chủ tịch từ ngày 29/04/2021, nhưng đúng 1 năm sau đó, bà Trà lại nhường ghế cho bà Nguyễn Thị Huyền; bà Võ Anh Tú trở thành Tổng Giám đốc từ ngày 10/10/2022 thay thế cho ông Nguyễn Duy Minh.

Xen giữa khoảng thời gian đó, vào năm 2015, VFC đăng ký kinh doanh thêm ngành nghề tư vấn đầu tư chứng khoán, đồng thời chuyển trụ sở chính về tầng 12, tòa nhà Ruby Plaza, số 44 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đến năm 2021, VFC tiếp tục dời trụ sở chính, lần này là về tầng 11, tòa nhà Doji Tower, số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội và sử dụng cho đến hiện tại.

Mặc dù có những lần đổi cơ cấu cổ đông và lãnh đạo, vốn điều lệ của VFC vẫn giữ nguyên 25 tỷ đồng sau gần 16 năm hoạt động. Giai đoạn kinh doanh khó khăn, các khoản lỗ lũy kế đang ăn mòn vốn chủ sở hữu. Kết thúc quý 3/2023, tổng tài sản của VFC giảm còn 24,8 tỷ đồng.

VFC từng có những năm kinh doanh tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Thời điểm cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đạt 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên khoản lỗ ròng sau thuế gần 2,7 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay ăn mòn hết số tích luỹ này.Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý III/2023, VFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 184 triệu đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VFC bật tăng từ 5 triệu đồng trong quý III/2022 lên gần 1,2 tỷ đồng.Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh từ 61.200 đồng lên 602 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao khiến công ty báo lỗ sau thuế gần 756 triệu đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, VFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 739 triệu đồng, giảm mạnh 88% so với mức doanh thu gần 6,2 tỷ đồng năm trước. Công ty lỗ ròng sau thuế gần 2,7 tỷ đồng, đi lùi so với mức lãi 766 triệu đồng trong năm 2022. Nguyên nhân được công ty giải thích là do doanh thu hoạt động nghiệp vụ quản lý danh mục và tư vấn đầu tư giảm mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục