Vietcombank đang đàm phán quy định chi tiết nhận ngân hàng '0 đồng'

Trúc Linh

Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.

Mức trích lập dự phòng ổn định, kỳ vọng tăng trưởng

Báo cáo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã CK: VBS) đề cập kết quả kinh doanh của Vietcombank (mã CK: VCB). VDSC cho biết thu nhập lãi thuần trong quý II của Vietcombank được dự báo tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên lãi thuần (NIM) dự báo co hẹp so với cùng kỳ do nền cao của quý II/2021. Ngược lại, thu nhập phí thuần sẽ được hưởng lợi đáng kể từ nền so sánh thấp.

Vietcombank đang đàm phán quy định chi tiết nhận ngân hàng '0 đồng' - Ảnh 1

Hoa hồng từ bán chéo bảo hiểm sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của Vietcombank trong thời gian tới. VDSC kỳ vọng nhà băng sẽ ghi nhận khoản thưởng bancassurance trong quý II. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ước tính đạt 15.600 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý II được dự báo tăng 56% so với cùng kỳ đạt 7.700 tỷ đồng.

VDSC duy trì quan điểm tích cực về chất xúc tác của việc tăng vốn và trung lập về thương vụ nhận chuyển giao. Việc phát hành riêng lẻ vẫn dự kiến được thực hiện trong năm nay. Ngân hàng đang lựa chọn đơn vị thẩm định, tư vấn và chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để chào nhà đầu tư. Về thương vụ nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, ngân hàng đang chờ sự chấp thuận của cổ đông chiến lược và đàm phán với các cơ quan chức năng về các quy định chi tiết.

VDSC nhận định chất lượng tài sản của Vietcombank nhìn chung vẫn được giữ nguyên trong quý I. Tỷ lệ nợ xấu là 0,8%, tăng so với mức 0,6% vào cuối năm 2021 nhưng thấp hơn mức của quý I/2021 (0,9%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức cao xuống 373%. Vietcombank vẫn sở hữu bộ đệm vững chắc hàng đầu với tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức thấp và dư nợ cơ cấu đang giảm. 

Về chi phí tín dụng, VDSC dự báo mức trích lập dự phòng của ngân hàng sẽ ổn định trong các quý tới, ở mức hơn 2.000 tỷ đồng chi phí dự phòng. Quỹ dự phòng trên dư nợ vay được cải thiện, đạt 3% tổng dư nợ trong quý I. Trong đó, quy mô dự phòng cụ thể chiếm 77%, tương ứng với tỷ lệ trên tổng dư nợ là 2,3%. Trong khi đó, tổng các khoản nợ có vấn đề là hơn 2%, bao gồm nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ cơ cấu. Những khoản này chưa tính đến dư nợ kéo theo của khách hàng được cơ cấu, vốn được giữ ở nhóm nợ tốt hơn và chiếm khoảng 3-4% tổng dư nợ vào năm 2021. 

Trong quý I, dư nợ cơ cấu khoảng 8.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 5, số dư này giảm xuống còn khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ cho vay. VDSC ước tính vào cuối tháng 5, tổng dư nợ của các khách hàng được cơ cấu có thể vào khoảng 2% tổng dư nợ toàn hàng. Việc phục hồi ổn định của danh mục nợ cơ cấu có thể dẫn đến việc hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý IV.

Ngoài ra, nhóm phân tích nhận định biên lãi của Vietcombank đang mở rộng dự kiến sẽ duy trì trong những tháng tới. VDSC kỳ vọng đà tăng của lãi suất cho vay sẽ được duy trì trong những quý tới nhưng với tốc độ chậm hơn. Lãi suất cho vay bình quân trong quý II dự kiến tăng nhẹ 7 điểm cơ bản.

Chi phí huy động vốn sẽ vẫn ổn định do chưa có đợt tăng lãi suất tiền gửi nào cho đến nay. Hơn nữa, VDSC xem sự ổn định của chi phí huy động vốn trong quý I như một khoản bù đắp từ gói miễn phí phí giao dịch, vốn đã thúc đẩy tiền gửi không kỳ hạn (CASA). CASA tiếp tục nhích lên 34,5% vào cuối tháng 5 và ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ căng thẳng đáng kể nào về thanh khoản hoặc trong việc đáp ứng tỷ lệ yêu cầu. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 và NIM trong quý II được dự báo là 3,5%, cao hơn 8 điểm cơ bản so với quý I.

Vén hồ sơ ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao

Tại đại hội thường niên năm 2022, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc. Cái tên được đồn đoán là CBBank.

Vietcombank đang đàm phán quy định chi tiết nhận ngân hàng '0 đồng' - Ảnh 2

Lãnh đạo Vietcombank tính toán thời gian đưa tổ chức tín dụng yếu kém về tình trạng hoạt động bình thường sẽ không quá 8-10 năm. Sau đó, nhà băng có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc như một ngân hàng con, hoặc bán, chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.

CBBank là ngân hàng được nhắc đến nhiều với đại án Phạm Công Danh và sau đó bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Ngân hàng đầu tiên bị mua lại với giá 0 đồng

Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay đổi là CBBank) tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Năm 2012, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng và lâm vào tình trạng nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ toàn hệ thống. Ngân hàng bị liệt vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và không được NHNN cho phép tự tái cơ cấu.

Giữa năm 2012, Thống đốc NHNN khi đó là ông Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận việc chuyển nhượng 85% cổ phần TrustBank cho nhóm cổ đông mới là Phạm Công Danh và ông Danh sau đó lên làm Chủ tịch HĐQT. Lúc này, nhà băng phải hoạt động dưới sự giám sát của NHNN.

Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm (từ năm 2012 đến 2014) tổng số tiền mà ông Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 9.000 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán độc lập tính đến ngày 30/11/2014 cho thấy, số lỗ lũy kế của TrustBank lên tới 27.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thì âm hơn 24.000 tỷ đồng.

Đến đầu năm 2015, VNCB bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng TNHH một thành viên.

Tại báo cáo gửi Quốc hội kỳ họp lần thứ 10, khóa XIV (cuối năm 2020), Kiểm toán Nhà nước cho biết việc tái cơ cấu, bán lại 3 ngân hàng yếu kém cho khối ngoại là giải pháp khả thi, và NHNN đã nhiều lần trình phương án để vực dậy các nhà băng này, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Kiểm toán Nhà nước thông tin vẫn chưa có phương án cơ cấu hợp lý, trong khi tình hình tài chính của cả 3 nhà băng ngày càng khó khăn.

Đến báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" mới đây, Chính phủ tiết lộ đã có phương án xử lý đối với CBBank. Cùng thời điểm, Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.

Trong khi đó, với trường hợp của Ngân hàng TMCP Đông Á, Chính phủ đang tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

 

Tin Cùng Chuyên Mục