Vietcombank (VCB) chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ, dự kiến thu về 1,3 tỷ USD với ẩn số nhà đầu tư vốn ngoại

Quỳnh Chi

Cổ phiếu VCB của Vietcombank đã tăng hơn 30% từ đầu năm lên đỉnh lịch sử với 105.000 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa xấp xỉ 500.000 tỷ đồng, lớn nhất toàn sàn chứng khoán.

Kế hoạch bán vốn hơn 1 tỷ USD

Theo nhiều nguồn tin, Ngân hàng Thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã CK: VCB) đã thuê CTCP Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) làm cố vấn cho đề xuất bán 6,5% cổ phần thông qua phát hành riêng lẻ. Thương vụ dự kiến có giá trị tối thiểu 1,3 tỷ USD, do Vietcombank có vốn hóa thị trường khoảng 20 tỷ USD.

Các nguồn tin cho hay, bên bán đã thông báo về việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu trong vài tháng qua, đồng thời nói thêm rằng đối tác chiến lược hiện tại của ngân hàng là Mizuho Bank có thể sẽ quan tâm. Hầu hết những người mua quan tâm chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Phía Vietcombank và HSC chưa phản hồi về thông tin này.

Trước đó, việc bán cổ phần được công bố từ tháng 4/2021 khi các cổ đông của Vietcombank thông qua kế hoạch huy động vốn cổ phần, trong đó ngân hàng sẽ chào bán hơn 307 triệu cổ phiếu, chiếm 6,5% cổ phần, cho các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đang thuê một cố vấn tài chính cho đợt phát hành riêng lẻ, dự kiến ​​sẽ diễn ra trong năm nay hoặc năm 2024.

Tại thời điểm cuối năm 2022, cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sở hữu 74,98%. Ngoài ra, ngân hàng còn 2 cổ đông lớn nước ngoài là “gã khổng lồ” ngành ngân hàng Nhật Bản Mizuho Bank nắm giữ 15% và GIC Private Ltd của Singapore nắm giữ 2,55% cổ phần.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 20223 rằng Vietcombank đã hoàn thành kế hoạch mua lại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) như một phần của kế hoạch chuyển giao bắt buộc do NHNN chỉ đạo.

Trên thị trường, cổ phiếu VCB của Vietcombank hiện đang trên đỉnh lịch sử với 105.000 đồng/cp, tăng hơn 30% từ đầu năm. Giá trị vốn hóa tương ứng xấp xỉ 500.000 tỷ đồng, lớn nhất toàn sàn chứng khoán và cũng là mức kỷ lục một doanh nghiệp niêm yết từng chạm đến.

Lợi nhuận tăng nhưng chất lượng tín dụng đi xuống

Đà tăng của cổ phiếu trong bối cảnh Vietcombank vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong quý đầu năm. Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, với mảng hoạt động chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 18,6% so với cùng kỳ, đạt 14.203 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của Vietcombank đạt 18.517 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động thậm chí còn tăng nhanh hơn với mức 17% so với cùng kỳ, đạt 5.274 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 8,3% lên mức 13.243 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 1/2023 của nhà băng này đã giảm 11% so với cùng kỳ, xuống còn 2.022 tỷ đồng. Kết quả, Vietcombank lãi trước thuế 11.221 tỷ đồng trong quý đầu năm, lãi ròng đạt 8.992 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản Vietcombank đạt 1.846.431 tỷ đồng,  tăng nhẹ 1,8% so với đầu năm. Tiền gửi tại NHNN tăng 50% so với đầu năm đạt mức 139.257 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng nhẹ 2% lên 1.142.187 tỷ. Tài sản có khác giảm 53% xuống mức 28.402 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng lại đi xuống rõ rệt khi nợ xấu tăng lên 27% so với đầu năm, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối quý 1 tăng từ 0,68% lên mức 0,85%.

Trong cơ cấu nợ theo nhóm, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh gấp 6 lần so với đầu năm lên 2.524 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng 25% lên 980 tỷ đồng. Ngược lại, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ 3% xuống mức 6.439 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 9,8% so với đầu năm đạt mức 255.334 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng ghi nhận 1.281.488 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Các khoản nợ khác giảm 31% xuống mức 75.443 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Tin Cùng Chuyên Mục