VNDirect: Nợ xấu tăng vọt của MB (MBB) thực sự đáng lo ngại, lợi nhuận kỳ vọng tăng nhẹ

An Chi

Nợ xấu tăng vọt đã đưa tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,09% hồi đầu năm lên mức 1,89% vào cuối quý 3. Đây là tỷ lệ nợ xấu cao nhất của MB kể từ năm 2016, chủ yếu do các khoản vay mua nhà.

Nợ xấu tăng đột biến

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, tổng nợ xấu từ hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã CK: MBB) lên đến ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối quý 2 và gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022.

Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), với quy mô hơn 4.400 tỷ đồng, gấp gần ba lần thời điểm cuối năm 2022. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của MBBank tăng thêm hơn 2.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương tăng hơn 200%). Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn ở thời điểm kết thúc quý 3 đã giảm 18% so với đầu năm về mức 1.882 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt đã đưa tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,09% hồi đầu năm lên mức 1,89% vào cuối quý 3. Đây là tỷ lệ nợ xấu cao nhất của MB kể từ năm 2016, chủ yếu do các khoản vay mua nhà. Điều này theo đánh giá của VNDirect là đáng lo ngại. Chi phí dự phòng cho quý 3 cũng đã tăng mạnh 50,5% so với cùng kỳ, ăn mòn đáng kể lợi nhuận.

VNDirect: Nợ xấu tăng vọt của MB (MBB) thực sự đáng lo ngại, lợi nhuận kỳ vọng tăng nhẹ - Ảnh 1

Mặt khác, bộ phận phân tích của VNDirect cũng nhận thấy tín hiệu lạc quan khi tỷ lệ cho vay nhóm 2, giảm xuống còn 2,97% vào cuối quý 3 từ mức 3,6% vào cuối quý 2 trước đó. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MB cũng đã giảm xuống còn 122% vào cuối quý 3, và xếp ở vị trí thứ tư trong số các Ngân hàng thương mại.

Sử dụng bộ đệm dự phòng để giảm nợ xấu

Trong quý 3/2023, MB đã trích lập hơn 1.400 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, so với mức 961 tỷ cùng kỳ năm trước. Việc trích lập dự phòng tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế quý 3 của MB chỉ tăng hơn 15%, đạt 7.283 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, VNDirect dự báo lợi nhuận sau thuế của MB đạt 20.349 tỷ đồng, tăng 3,6% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2024 được kỳ vọng sẽ đạt 22.381 tỷ đồng, giảm 2,5% so với dự báo cũ. Chi phí dự phòng năm 2023 và 2024 trong dự báo mới cũng được hạ xuống lần lượt là 19% và 9,6%. VNDirect hạ dự phóng chi phí dự phòng do cho rằng MB sẽ sử dụng tới bộ đệm dự phòng để giảm nợ xấu, trong khi duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

VNDirect: Nợ xấu tăng vọt của MB (MBB) thực sự đáng lo ngại, lợi nhuận kỳ vọng tăng nhẹ - Ảnh 2

VNDirect đã nâng dự phóng tăng trưởng cho vay trong năm nay của MB từ 19,8% lên 22,5%, phản ánh triển vọng tín dụng mạnh mẽ của ngân hàng. Ngược lại, CTCK này đã hạ dự phóng NIM trong năm 2023 và 2024 xuống 5,4% và 5,5%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo cũ với lý do MB đã giải ngân nhiều trong giai đoạn lãi suất cho vay thấp vừa qua.

Về việc dự phóng thu nhập ngoài lãi được điều chỉnh giảm 4,9% trong năm 2023 và 8,1% trong năm 2024, VNDirect cho biết nguyên nhân là phân khúc bán bảo hiểm (bancassurance) và tư vấn tài chính đang gặp khó khăn. Thu nhập từ phân khúc tư vấn giảm 69% so với cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn trong khi phân khúc bancassurance ghi nhận mức doanh thu giảm 17%. Ngoài ra, Nghị định 67 mới ban hành cũng đã nghiêm cấm ngân hàng bán hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời gian giải ngân khoản vay.

Tin Cùng Chuyên Mục