Xoay vần trong vòng quay trái phiếu, Chứng khoán MBS kinh doanh tụt dốc, Ngân hàng MB (MBB) nợ xấu tăng nhanh

Quỳnh Chi

Năm 2023, MBS dự kiến sẽ đầu tư vào trái phiếu cùng với khoản đầu tư của MB - ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống năm 2022, đẩy mạnh phân phối trái phiếu kỳ hạn ngắn.

Lợi nhuận MBS sụt giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, MBS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt gần 406 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 173,8 tỷ đồng, giảm 14,8%. Đứng thứ hai là thu từ hoạt động môi giới chứng khoán 135,6 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động quý IV/2022 cũng giảm 48,7% xuống còn 130,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng nhẹ 6% lên gần 103 tỷ đồng. Kết quả, MBS lãi trước thuế 105,6 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty chứng khoán này kể từ quý III/2020.

Lũy kế cả năm 2022, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 1.958 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 660,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,97% và 10,2% so với cả năm 2021. Với kết quả đạt được, CTCK này đã không hoàn thành kế hoạch đề ra và chỉ thực hiện được gần 65% chỉ tiêu doanh thu và 60% mục tiêu tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của MBS đạt 10.641 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin đã giảm hơn 3.100 tỷ trong quý cuối năm xuống mức 3.494 tỷ đồng, thấp nhất kể từ cuối tháng III/2020.

Trong quý IV, MBS đã bán phần lớn danh mục tự doanh cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu trong danh mục FVTPL chỉ còn hơn 148 triệu đồng. Khoản mục này còn lại chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2022. Tài sản chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá trị gần 1.391 tỷ đồng, trong đó có gần 1.173 tỷ đồng trái phiếu.

Chi tiết về từng khoản đầu tư vào các doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2022, MBS đang nắm giữ hơn 6 triệu trái phiếu của một Tập đoàn Đầu tư Địa ốc với giá trị gần 606 tỷ đồng. Ngoài ra, MBS còn đang nắm giữ trái phiếu của các công ty khác như Đầu tư Xây dựng Trung Nam (181 tỷ đồng), Dược phẩm TENAMYD (150 tỷ đồng), Ngân hàng BIDV (130 tỷ đồng) và Vinaconex (105,7 tỷ đồng).

Theo thuyết minh, trong năm 2022, MBS bán ra hơn 9 triệu trái phiếu với giá trị 2.259 tỷ đồng và hạch toán lãi 55 tỷ đồng, tập trung vào trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong đó điển hình như Trung Nam, Hải Phát, Tập đoàn bất động sản ở TP. HCM. Chiều ngược lại, công ty bán lỗ gần 10,7 triệu trái phiếu với giá trị 1.458 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ 15,86 tỷ đồng.

Nợ xấu MB tăng vọt, nắm giữ trái phiếu lớn nhất hệ thống

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, MBS dự kiến sẽ đầu tư vào trái phiếu cùng với khoản đầu tư của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã CK: MBB), đẩy mạnh phân phối trái phiếu kỳ hạn ngắn. Năm 2022 trước đó, MB là ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống với hơn 43.600 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Nhà băng này hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn bất động sản ở TP. HCM. Dư nợ của tập đoàn này tại MB đạt gần 12.000 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ của ngân hàng.

Xoay vần trong vòng quay trái phiếu, Chứng khoán MBS kinh doanh tụt dốc, Ngân hàng MB (MBB) nợ xấu tăng nhanh - Ảnh 1

Không chỉ nắm giữ trái phiếu lớn nhất hệ thống, MB còn liên tục huy động hàng chục nghìn tỷ qua kênh trái phiếu. Năm 2022, nhà băng này đã phát hành 22 lô trái phiếu với 2 loại mệnh giá 10 triệu đồng và 1 tỷ đồng/trái phiếu, khối lượng từ 30 đến 3.000 trái phiếu/lô. Giá trị phát hành trái phiếu của MB tăng mạnh lên 14.720 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2021.

Cũng trong năm vừa qua, MB đã đáo hạn 12 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.789 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá trị phát hành tăng vọt trong năm 2022 nên mức độ rủi ro từ trái phiếu của ngân hàng này vẫn tăng trưởng mạnh. Tính đến cuối năm 2022, nợ trái phiếu của MB đạt mức hơn 26.048 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cuối năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của MB đạt hơn 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Theo đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460.574 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của ngân hàng lại đi xuống rõ rệt.

Thời điểm 31/12/2022, tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng đã tăng mạnh hơn 52%, lên 5.030 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,9% đầu năm lên 1,09%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh nhất, lên đến 2.293 tỷ đồng, tương ứng gấp gần 3 lần so với cuối năm trước đó.

Năm 2022, MB trích ra 8.047,6 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gần như tương đương so với năm trước. Kết quả, MB lãi trước thuế 22.729 tỷ đồng năm 2022, tăng 38% so với kết quả năm trước.

Tin Cùng Chuyên Mục