Alibaba chuyển mục tiêu thị trường sang các khu vực thưa dân để kích thích tăng trưởng

Như Quỳnh

Ngân hàng Morgan Stanley ước tính rằng sức mua ở các thành phố cấp thấp hơn tại Trung Quốc có thể lên tới 6.900 tỷ USD vào năm 2030.

Jinye là một nhà sản xuất giấy ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Doanh số của công ty bắt đầu bùng nổ từ khi họ trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên mở cửa hàng ảo trên ứng dụng Taobao Deals do Alibaba vận hành.

Jinye nhận được sự hỗ trợ gần như tuyệt đối bởi Taobao Deals, từ lời khuyên về chiến lược kinh doanh đến kho lưu trữ, hệ thống giao hàng toàn quốc,... Chỉ sau hai năm, công ty đã phải tăng số lượng nhân viên gấp 5 lần từ 60 lên 300 người nhằm phục vụ nhu cầu tăng mạnh từ những khách hàng "nhạy cảm với giá cả". 

Thị trường gần 1 tỷ dân với sức mua hàng nghìn tỷ USD

Các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh,... đã không còn là mỏ vàng độc quyền của Alibaba. Ảnh: Denys Nevozhai
Các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh,... đã không còn là mỏ vàng độc quyền của Alibaba. Ảnh: Denys Nevozhai

Trong nhiều năm qua, Alibaba chủ yếu tập trung vào người mua sắm ở những thành phố giàu có hàng đầu Trung Quốc thông qua hai nền tảng Taobao và Tianmao. Thế nhưng tốc độ tăng trưởng trên hai ứng dụng này đang chậm lại do áp lực cạnh tranh gay gắt và những quy định pháp lý mới từ chính quyền Bắc Kinh. Gã khổng lồ thương mại điện tử quyết định chuyển mục tiêu sang 930 triệu người dùng sống ở những thành phố cấp 3 và cấp 4 ở đại lục để thúc đẩy doanh số. 

"Alibaba chuyển đổi phân khúc sang các thành phố cấp thấp hơn khá muộn nhưng những bước đi của họ vẫn rất hiệu quả. Chỉ trong hai năm, Taobao Deals đã tiếp cận được với những người tiêu dùng mà Taobao và Tianmao không thu hút được", Michael Norris, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại AgencyChina cho biết.  

Alibaba ra mắt ứng dụng Taobao Deals vào tháng 3 năm 2020 nhằm phục vụ những khách hàng chuyên săn đồ giá rẻ sinh sống ở những khu vực thưa người và có thu nhập thấp hơn. 

Ngân hàng Morgan Stanley ước tính rằng mức chi tiêu ở các thành phố cấp thấp hơn tại Trung Quốc sẽ tăng từ 2.300 tỷ USD vào năm 2017 lên 6.900 tỷ USD vào năm 2030.

Vào tháng 2 năm nay, CEO Alibaba Daniel Zhang tự tin đánh giá tập đoàn đã biến Taobao Deals trở thành một "thế lực trong việc thu hút người dùng mới cho thương mại Trung Quốc".

Taobao Deals ghi nhận cơ sở người dùng hoạt động hàng tháng tăng 75% so với năm trước lên 150 triệu vào tháng 11 năm 2021, theo công ty phân tích QuestMobile. 

Đối đầu trực tiếp với các đối thủ

Taobao Deals có lợi thế hơn với Pinduoduo nhờ được thừa hưởng hệ thống logistic đồng bộ mà Alibaba đã phát triển trong nhiều năm. Ảnh: Yahoo News.    
Taobao Deals có lợi thế hơn với Pinduoduo nhờ được thừa hưởng hệ thống logistic đồng bộ mà Alibaba đã phát triển trong nhiều năm. Ảnh: Yahoo News.    

Ra mắt Taobao Deals đồng nghĩa với việc đưa Alibaba vào vị trí cạnh tranh trực tiếp về giá với đối thủ Pinduoduo - nền tảng nổi tiếng với việc bán sản phẩm giá rẻ nhờ nhập hàng trực tiếp từ các nhà máy hoặc trang trại. 

“Chúng tôi đang học hỏi từ Pinduoduo, nhưng chúng tôi cũng xây dựng Taobao Deals dựa trên mạng lưới hậu cần, thương hiệu và cơ sở người dùng sẵn có tại Alibaba. Taobao Deals không phải là một công ty con biệt lập mà là một phần thuộc Alibaba", một giám đốc Taobao Deals khu vực Thành Đô cho biết. 

Động thái dồn nguồn lực cho Taobao Deals diễn ra trong giai đoạn Alibaba đối mặt với khó khăn chồng chất. Tập đoàn do tỷ phú Jack Ma sáng lập đã mất khoảng 60% vốn hóa thị trường kể từ khi cơ quan quản lý Trung Quốc hủy bỏ đợt IPO công ty fintech Ant Group thuộc Alibaba vào tháng 11 năm 2020. 

Chưa dừng lại ở đó, những quy định mới để ngăn chặn tình trạng các ông lớn ngành internet chi phối nền kinh tế khiến Alibaba đã buộc phải chấm dứt các hợp đồng độc quyền với các thương gia trên Tianmao và Taobao - thứ vốn giúp họ duy trì vị thế thống trị trong ngành thương mại điện tử đại lục. 

Taobao Deals sẽ đưa Alibaba ra khỏi khủng hoảng?

Các nhà phân tích cảnh báo rằng đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Alibaba nhiều hơn so với các đối thủ do họ có nhiều trung tâm hậu cần lớn ở tỉnh Chiết Giang - gần với tâm dịch Thượng Hải. 

Công ty nghiên cứu eMarketer ước tính thị phần của Alibaba trong tổng doanh số thương mại điện tử nội địa đã giảm từ 70% từ năm 2015 xuống chỉ còn dưới 50% vào năm 2021. Vào tháng 2 năm nay, Alibaba báo cáo tăng trưởng doanh số hàng quý chậm nhất kể từ khi niêm yết công khai vào năm 2014.

Bất chấp những khó khăn trên, nhiều nhà phân tích tin tưởng Taobao Deals sẽ là "át chủ bài" giúp Alibaba duy trì tầm ảnh hưởng lâu dài ở đại lục. Tập đoàn có thể khai thác mạng lưới quan hệ rộng với các nhà sản xuất, hệ thống hậu cần và giao hàng hiệu quả để chinh phục phân khúc thị trường mới này chỉ trong 2 năm. 

"Một khi Alibaba quyết định dồn lực vào phân khúc mà Pinduoduo theo đuổi, Pinduoduo sẽ rất khó để cạnh tranh lại với họ. Họ dồn nhiều tài nguyên vào khu vực thưa dân và nhanh chóng thu hút hàng trăm triệu người dùng chỉ trong thời gian ngắn", Jacob Cooke, CEO công ty giải pháp thương mại điện tử WPIC nhận định.

Theo ông Norris, để chiếm được thị phần ở những thành phố cấp thấp hơn, cạnh tranh về giá là yếu tố quyết định thành công. Taobao Deals hiểu điều này và đã áp dụng một số chiến thuật như khuyến khích nhà bán lẻ thành lập nhiều nhãn hiệu con để bán cùng một loại hàng hóa giá rẻ nhưng không làm giảm doanh số ở thương hiệu chính. 

Taobao Deals cũng cung cấp phiếu giảm giá cho người mua, trợ giá cho các công ty muốn tiếp cận người mua sắm ở các thành phố cấp thấp hơn.

“Các thương hiệu lớn muốn tiếp cận người tiêu dùng ở các thị trường cấp thấp hơn nhưng lại không muốn giảm giá. Taobao Deals can thiệp bằng các phiếu giảm giá để khách hàng có thể mua hàng hiệu với giá thấp hơn, trong khi các thương hiệu không cần hy sinh lợi nhuận”, một giám đốc Taobao Deals cho biết.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục