Alibaba và Huawei chạy đua để giành lợi thế trên thị trường điện toán đám mây Đông Nam Á

Kim Dung

Hoạt động điện toán đám mây của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm khoảng 14% thị phần của toàn cầu. Vậy nên Đông Nam Á trở thành thị trường tiềm năng trong kế hoạch tăng trưởng của các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc.

Alibaba Group và Huawei Technologies là hai trong số nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang gấp rút xây dựng trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á để chiếm thị phần trong ngành điện toán đám mây đang phát triển mạnh mẽ.

Theo một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co thực hiện, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến tăng 20% lên mức 194 tỷ USD trong năm 2022.

Tháng 11 năm ngoái, trung tâm dữ liệu ở Indonesia của Huawei đã đi vào hoạt động và thu hút hơn 30 đối tác địa phương. CEO của Huawei Indonesia, Jacky Chen cho biết tập đoàn có thể tiếp tục đổi mới kỹ thuật số ở quốc gia này trong tương lai.

Indonesia là quốc gia Đông Nam Á thứ ba Huawei đặt trung tâm dữ liệu, trước đó là Thái Lan và Singapore. Ông Chen cho biết Huawei sẽ đầu tư 300 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây ở Indonesia trong vòng 5 năm tới.

Huawei sẽ đầu tư 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng đám mây ở Indonesia trong 5 năm tới.
Huawei sẽ đầu tư 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng đám mây ở Indonesia trong 5 năm tới.

Trong quá trình hướng tới một xã hội kết nối, điện toán đám mây là ngành then chốt sánh ngang với ngành bán dẫn. Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc muốn mở rộng sang Đông Nam Á khi nhận thấy sự chuyển dịch sang số hóa của khu vực diễn ra mạnh mẽ sau khi đại dịch xảy ra.

Alibaba cũng tham gia vào cuộc đua điện toán đám mây. Năm ngoái, tập đoàn công nghệ này liên tục xây dựng trung tâm dữ liệu ở các nước Đông Nam Á với địa điểm đầu tiên là Thái Lan.

Ngoài ra, Alibaba còn có kế hoạch chi 1 tỷ USD trong ba năm, bắt đầu từ năm 2021, để phát triển hoạt động điện toán đám mây có quy mô tương đương với hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến cốt lõi của tập đoàn.

Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực trọng tâm của Alibaba cho kế hoạch đào tạo 1 triệu công nhân lĩnh vực kỹ thuật số và hỗ trợ 100.000 startup trong thời gian tới.

Alibaba không phải là công ty duy nhất đào tạo công nhân để giành thị phần điện toán đám mây trong khu vực. Huawei cũng có kế hoạch đào tạo 100.000 kỹ sư và các chuyên gia trong ngành, đồng thời hỗ trợ 500 startup tại Indonesia.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường đám mây Trung Quốc đang chậm lại. Theo công ty phân tích thị trường công nghệ toàn cầu Canalys, trong quý III/2022, thị trường dịch vụ đám mây của đất nước tỷ dân có giá trị 7,8 tỷ USD, chỉ tăng 8% so với một năm trước đó, 

Mặc dù đạt được mức tăng trưởng 50% trong nửa đầu năm 2021, nhưng kinh tế suy thoái đã khiến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc phải cắt giảm đầu tư.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường điện toán đám mây đã tăng 30% lên 8,7 tỷ USD trong quý III năm ngoái. Khu vực này hiện chiếm khoảng 14% thị phần của toàn cầu. Đông Nam Á trở thành thị trường tiềm năng trong kế hoạch tăng trưởng của các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các "ông lớn" Trung Quốc cũng phải đối đầu với các đối thủ đến từ Mỹ đã gia nhập từ trước. Theo Canalys, Amazon, Microsoft và Google đang kiểm soát khoảng 70% thị trường Đông Nam Á. Trong số đó, Amazon có kế hoạch chi 5 tỷ USD cho Indonesia trong vòng 15 năm kể từ năm 2021. Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng các trung tâm dữ liệu giúp mở rộng hệ sinh thái kỹ thuật số của tập đoàn.

Các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nếu muốn giành thị phần từ các đối thủ của Mỹ vốn đã cung cấp dịch vụ cho Chính phủ và nhiều doanh nghiệp.

Các công ty Trung Quốc đang tìm cách giành thị phần bằng cách đưa ra mức giá thấp hơn. "Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc thường đưa ra mức giá bằng khoảng một nửa so với mức giá của các công ty Mỹ ở khu vực Đông Nam Á", một nhà phân tích cho biết.

Narai Intertrade, công ty Thái Lan sở hữu thương hiệu Naraya cung cấp sản phẩm phong cách sống, hiện đang sử dụng dịch vụ đám mây của Alibaba. Nguyên nhân là vì hầu hết khách hàng của Narai Intertrade đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch vụ của Trung Quốc cũng "rẻ hơn so với các dịch vụ đám mây khác", một nhà quản lý của Narai Intertrade chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục