Bị kiểm toán nhấn mạnh khoản "giấu lỗ" HPG, công ty chứng khoán nói gì?

An Nhiên

Đồng thời, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ giá trị khoản phải thu khác tại ngày 31/12/2022 là gần 481 tỷ đồng và cơ sở trích lập dự phòng rủi ro tài chính đối với khoản thu này.

Theo thông báo mới nhất, CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã: TVB) đã công bố văn bản giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Thứ nhất, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ giá trị khoản phải thu khác tại ngày 31/12/2022 là gần 481 tỷ đồng và cơ sở trích lập dự phòng rủi ro tài chính đối với khoản thu.

Chứng khoán Trí Việt giải trình đây là số dư nợ phải thu khác của các hợp đồng môi giới mua bán chứng khoán, với mục đích hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên do trong năm 2022 có phát sinh một số vấn đề liên quan tới hoạt động và tổ chức nên công ty chưa thể làm việc với các đối tác để đôn đốc tiến độ và thu hồi số tiền đã chuyển theo hợp đồng. Sau khi xem xét thận trọng về khả năng thu hồi, công ty đã quyết định trích lập dự phòng tổn thất với tỷ lệ 70% số dư nợ phải thu, với số tiền là hơn 336 tỷ đồng. Giá trị thuần của các khoản nợ phải thu nêu trên trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 là hơn 144 tỷ đồng.

Theo TVB, do trong năm 2022 việc thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán không thuận lợi và không được đồng bộ nên kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia hợp tác và hiệu quả của các hợp đồng. Vì vậy, kiểm toán không thể đánh giá được về số dư, tính phân loại và trình bày của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập.

Thứ hai, kiểm toán nhấn mạnh đối với chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) không được phản ánh vào kết quả hoạt động và lợi nhuận sau thuế năm 2022.

Văn bản Chứng khoán Trí Việt ghi rõ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của công ty bao gồm các mã cổ phiếu HPG và FPT, được công ty phân loại tại thời điểm ghi nhận ban đầu (năm 2021) và áp dụng nhất quán cho năm tài chính 2022 theo quy định. Khoản lỗ đánh giá lại AFS theo giá thị trường với số tiền 92,8 tỷ đồng được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu, đồng thời ghi nhận vào chỉ tiêu thu nhập (lỗ) toàn diện khác trên báo cáo kết quả hoạt động riêng.

Các khoản lỗ do đánh giá lại đều được phản ảnh giảm vốn chủ sở hữu và giảm thu nhập toàn diện mà không phản ánh vào lợi nhuận sau thuế năm 2022 và chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối. Việc ghi nhận như vậy sẽ tiếp tục cho đến khi tài sản tài chính được dùng ghi nhận theo đúng hướng dẫn của Thông tư 334/2016/TT-BTC.

Do chưa phản ánh vào lợi nhuận sau thuế nên các phân tích/đánh giá dựa trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ kết quả kinh doanh năm 2022 từ các bên hữu quan sẽ chưa bao gồm khoản lỗ trên.

Thứ ba, kiểm toán còn nhấn mạnh về vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Louis Holding, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land, CTCP Chứng khoán Trí Việt. Phía TVB khẳng định công ty không phát sinh các nghĩa vụ tài chính pháp lý nào từ sự kiện nêu trên. Hiện tại, công ty đã thực hiện việc kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và đã được UBCKNN cấp Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Do đó, báo cáo tài chính năm 2022 được lập dựa trên giả thiết công ty hoạt động liên tục là phù hợp.

Ghi nhận tại BCTC kiểm toán năm 2022 lượng cổ phiếu Hòa Phát (HPG) và FPT trong danh mục TVB có giá gốc lần lượt là 171 tỷ đồng và 178 tỷ đồng dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS). Công ty chứng khoán này phải “gồng lỗ” với mức âm đến gần gần 93 tỷ đồng, chủ yếu xuất phát từ khoản đầu tư vào HPG.

Nguồn BCTC kiểm toán năm 2022 của TVB
Nguồn BCTC kiểm toán năm 2022 của TVB

Trong kỳ đại hội thường niên vừa tổ chức cuối tháng 6, có cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về phương án xử lý đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG để bảo toàn vốn.

Đại diện TVB cho biết hoạt động kinh doanh của Hòa Phát ở thời điểm hiện tại đã có tín hiệu phục hồi tích cực so với quý 3 và quý 4/2022 với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá.

Đội ngũ Chứng khoán Trí Việt cho rằng giá thị trường vẫn đang thấp hơn giá trị hợp lý của HPG và kỳ vọng giá cổ phiếu HPG sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhờ vào các yếu tố gồm (1) kết quả kinh doanh cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than cốc đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022; và (2) nhu cầu từ thị trường xây dựng và bất động sản về cuối năm 2023 nhiều khả năng sẽ phục hồi nhờ các chính sách giảm lãi suất cũng như các chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường.

“Với mục tiêu đầu tư dài hạn, Chứng khoán Trí Việt xác định giá cổ phiếu HPG còn tiếp tục tăng nên Công ty vẫn tiếp tục nắm giữ”, đại diện công ty trình bày với cổ đông.

Năm 2023, TVB lên kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế lần lượt ở mức 62 tỷ đồng (giảm 60%) và 16 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 318 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty cũng dự kiến mua lại 5 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu.

Cổ phiếu TVB chốt phiên 28/6 đạt 5.850 đồng/cp và đang thuộc diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC quá 45 ngày.

Bị kiểm toán nhấn mạnh khoản "giấu lỗ" HPG, công ty chứng khoán nói gì? - Ảnh 1

Tin Cùng Chuyên Mục