Chip cho ngành ô tô tiếp tục thiếu hụt đến cuối năm 2023

Kim Dung

Nhu cầu về chip ô tô được thúc đẩy bởi xe điện ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Sắp tới, khi động cơ đốt trong dần bị loại bỏ, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Các tập đoàn ô tô và nhà sản xuất chip hàng đầu cho biết ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vẫn sẽ thiếu hụt chip bán dẫn vào năm tới khi xe điện ngày càng phổ biến hơn.

Hassane El-Khoury, CEO của Onsemi, một nhà sản xuất chip của Mỹ, cho biết do nhu cầu tăng mạnh, công ty đã nhận đủ đơn đặt hàng chip silicon carbide (SiC) cho đến cuối năm 2023.

“Chúng tôi sẽ nâng cao công suất hàng quý, hàng tháng trong năm 2023 để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông nói thêm.

Chip ô tô tiếp tục "khan hàng" đến cuối năm 2023.
Chip ô tô tiếp tục "khan hàng" đến cuối năm 2023.

Jochen Hanebeck, CEO công ty sản xuất chip ô tô Infineon, cũng từng đưa ra dự báo tương tự về nguồn cung chip tại một sự kiện ở Munich gần đây. Trong khi đó, Carlos Tavares, CEO của hãng xe lớn thứ tư thế giới Stellantis, cho rằng những hạn chế về chip sẽ tiếp tục ám ảnh ngành công nghiệp ô tô vào năm tới.

Nhu cầu về chip ô tô tăng cao đã thúc đẩy cho sự tăng trưởng của các nhà sản xuất như Onsemi, Infineon, STMicroelectronics, NXP Semiconductors và Nexperia.

Tháng trước, Infineon đã nâng dự báo tăng trưởng doanh thu trong năm tới từ 9% lên hơn 10%. Nhà sản xuất chip của Đức cũng công bố sẽ đầu tư 5 tỷ euro (5,3 tỷ USD) xây dựng nhà máy ở Dresden để sản xuất thiết bị bán dẫn sử dụng cho ô tô và các ngành công nghiệp khác.

Nhà sản xuất Onsemi cũng đang mở rộng quy mô các nhà máy ở Cộng hòa Séc, Hàn Quốc và Mỹ. Hiện tại, Onsemi có rất nhiều hợp đồng dài hạn nên công ty dự định sẽ tăng công suất thêm 30% trong năm tới. 

Nhu cầu về chip ô tô được thúc đẩy bởi xe điện ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Sắp tới, khi động cơ đốt trong dần bị loại bỏ, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Theo Gregg Lowe, CEO của Wolfspeed, nhà cung cấp vật liệu sản xuất SiC, việc chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện là “điều hiển nhiên”. “Cho đến cuối thập kỷ này, ngành bán dẫn, đặc biệt là SiC, có thể đạt tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm đến 14%, có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ phải tăng tối đa công suất để bắt kịp nhu cầu thị trường".

Trái ngược với triển vọng lạc quan của thị trường chip ô tô, thị trường chip smartphone và máy tính cá nhân đang ngày càng ảm đạm. TSMC, Intel và Samsung là những công tư chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Đặc biệt là TSMC, xưởng đúc chip lớn nhất thế giới cung cấp cho các "ông lớn"  như Apple, Google và Amazon, đã phải cắt giảm khoảng 10% vốn đầu tư xuống còn 36 tỷ USD trong năm nay.

Tin Cùng Chuyên Mục