Đề xuất điều chỉnh nguồn lực chương trình phục hồi kinh tế

Theo thanhtra.com.vn

Chính phủ đề nghị điều chỉnh nguồn lực từ chính sách khó có khả năng giải ngân hết sang chính sách khả thi, hiệu quả để phát huy tối đa nguồn lực chương trình phục hồi kinh tế.

Các gói chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tính đến hết tháng 4, đã giải ngân được khoảng hơn 87 nghìn tỷ đồng trong tổng nguồn lực 301 nghìn tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau hơn một năm thực hiện, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo Chính phủ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tapchitaichinh.vn
Theo Chính phủ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tapchitaichinh.vn

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị “ế”

Giải ngân chậm nhất là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, khi mới giải ngân được khoảng 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực 40.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến hết năm nay cũng chỉ giải ngân được 2.570 tỷ đồng, tức còn khoảng 37.430 tỷ đồng nguồn lực có khả năng không thực hiện hết.

Lý giải vì sao kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu liên quan tới đối tượng hỗ trợ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do lo ngại thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp. Khách hàng cũng lo ngại trường hợp sau này bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý, vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông.

“Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất”, báo cáo gửi Quốc hội nêu.

Về cơ chế, chính sách, bà Hồng cho biết, ngân hàng thương mại và khách hàng gặp khó khăn trong đánh giá tiêu chí “có khả năng phục hồi” để hưởng gói hỗ trợ.

Khách hành dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: Doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh).

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng, nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng, thì ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá “trục lợi chính sách”…

Nhu cầu vay vốn tạo việc làm rất lớn, lại không còn nguồn

Các chương trình cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được 16.957 tỷ đồng. Ngân hàng này đã hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho vay dành cho người nghèo, đối tượng chính sách 1.347 tỷ đồng.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được giao thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Ảnh: Đ.X
 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được giao thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã hết thời gian thực hiện và các địa phương dự kiến giải ngân khoảng hơn 4.262 tỷ đồng.

Chính phủ tính toán, dư nợ của 4 chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi (nhà ở xã hội; học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) đến hết năm nay là 11.535 tỷ đồng, nghĩa là còn khoảng 16.865 tỷ đồng không sử dụng hết.

Trong khi, nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn (43.140 tỷ đồng) đã giải ngân hết kế hoạch, có khả năng thực hiện tiếp lại không còn nguồn.

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội giảm 16.865 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.

Số tiền này được đề xuất bố trí để tăng vốn thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số vốn để thực hiện là 26.865 tỷ đồng.

Trường hợp được bổ sung, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến có thể cho vay giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho thêm 355 nghìn khách hàng, theo Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai, phấn đấu giải ngân hết số vốn được bổ sung trong năm nay.

Chính phủ cũng đề xuất, hơn 2.335 tỷ đồng còn lại của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động không có nhu cầu sử dụng thì bố trí bổ sung nguồn đầu tư trang thiết bị và cải tạo, sửa chữa các bệnh viện tuyến Trung ương.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Chính phủ nhận định, nguồn lực còn lại lớn, thời gian của chương trình chỉ còn 7 tháng, nên việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực cho chính sách khác là “khó khả thi” do không đủ thời gian đánh giá hiệu quả, tác động.

Do đó, Chính phủ đề xuất cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Số vốn không giải ngân hết (dự kiến 37.430 tỷ đồng) sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các kiến nghị của Chính phủ, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này.

 

Vốn đầu tư công điều hòa linh hoạt để tránh lãng phí

Về chính sách đầu tư công thuộc chương trình với 176 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo, còn chưa phân bổ kế hoạch vốn cho 100 dự án. Trong đó, 55 dự án đã được Thủ tướng giao kế hoạch vốn nhưng chưa có quyết định đầu tư, nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư hàng năm. Có 45 dự án đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5 này.

Từ thực tế trên, Chính phủ đề nghị cho phép các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc chương trình trong năm nay để bố trí cho: Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025; dự án trọng điểm, liên kết vùng có khả năng hấp thụ vốn.

Trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của chương trình giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn. 

Tin Cùng Chuyên Mục