Định danh VEPIC - nhà đầu tư đứng sau bộ sách giáo khoa Cánh Diều

Theo Nhà đầu tư

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VEPIC đạt 116,2 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 108,5 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 82,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đang chịu lỗ luỹ kế nhiều chục tỷ đồng.

Cuối năm 2019 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa lớp 1 - bộ sách giáo khoa “Cánh Diều”. Đây là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách sách giáo khoa được phê duyệt đưa vào sử dụng ở các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021.

Bộ sách là sản phẩm hợp tác xuất bản của 3 đơn vị, gồm: Nhà xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP HCM) phối hợp với công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản và phát hành.

Định danh VEPIC - nhà đầu tư đứng sau bộ sách giáo khoa Cánh Diều - Ảnh 1

Sự xuất hiện của bộ sách này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền về sách giáo khoa suốt nhiều năm qua.

Đến tháng 3/2020, theo thông báo từ công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều với 9 cuốn có mức giá là 199.000 đồng, qua đó trở thành bộ sách có giá cao nhất trong 5 bộ sách giáo khoa mới.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (viết tắt VEPIC) được thành lập vào ngày 27/7/2016 với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 34,56 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm: công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (mã CK: EID, 34,722%), công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam ( mã CK SED, 34,722%), công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng (Mã CK: DAD, 17,36%) và Phạm Thanh Nam (8,68%). Đến ngày 18/11/2016, VEPIC tăng vốn lên mức 108,7 tỷ đồng, tổng tỷ lệ sở hữu của SED, DAD và EID lúc này giảm mạnh, chỉ đạt 27,595%.

Chỉ 2 tháng sau đó, VEPIC cũng đã tiến hành chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT từ ông Lê Thành Anh (SN 1974) sang ông Ngô Trần Ái (SN 1951), đồng thời thay đổi trụ sở chính thành tòa nhà Green Park Tower, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Được biết, lúc VEPIC mới được thành lập, ông Ngô Trần Ái đang là Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (HEID), đồng thời đảm nhiệm vai trò Trưởng ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa mới kiêm Cố vấn cao cấp Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Mặc dù ông Ngô Trần Ái từng nhấn mạnh rằng “VEPIC không phải là đơn vị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên không bị chi phối”, song, nên biết cổ đông lớn của công ty xuất bản này đều là thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, tỷ lệ sở hữu mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm giữ tại SED, DAD, EID lần lượt là 46,8%, 44,5% và 40,16%. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, các doanh nghiệp này đã đồng loạt thông qua các thỏa thuận khung (với các điều khoản có nội dung khá tương đồng) về “Hoạt động chung trong Tổ hợp công ty mẹ - công ty con công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”, thỏa thuận khung này đều có những điều lệ ngầm khẳng định rằng dù giữ tỷ lệ cổ phần chưa đủ mức chi phối nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại sở hữu quyền chi phối tại các doanh nghiệp này.

Lấy ví dụ đơn cử như tại thỏa thuận chung mà SED công bố có đoạn “Công ty có vốn góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dưới mức chi phối nhưng tự nguyện tham gia tổ hợp công ty mẹ - công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ quyền chi phối thông qua thỏa thuận ký kết giữa hai bên phù hợp với quy định của pháp luật”.

Trở lại với VEPIC, mặc dù hoạt động mạnh trong thị trường biên soạn sách giáo khoa, song theo dữ liệu mà Nhadautu.vn có được, thì 4 năm trở lại đây doanh thu của công ty này chỉ dao động quanh mức 5 tỷ đồng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của VEPIC lần lượt đạt 2,8 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng, lãi thuần trong năm 2016 chỉ ở mức 133 triệu đồng, trước khi giảm xuống mức lỗ hơn 1,5 tỷ đồng vào năm 2017. Đặc biệt, năm 2019, doanh thu thuần của VEPIC chỉ đạt 4,13 tỷ đồng, nhưng lỗ thuần đã lên đến 14,4 tỷ đồng (năm 2018 lỗ thuần 10,38 tỷ đồng).

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VEPIC đạt 116,2 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 108,5 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 82,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đang chịu lỗ luỹ kế nhiều chục tỷ đồng. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục