Động thái của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau ồn ào “gửi tiết kiệm thành bảo hiểm”

Chi Đoàn

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có động thái mới, nhằm minh bạch hóa sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng sau loạt lùm xùm của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.

Động thái của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau ồn ào “gửi tiết kiệm thành bảo hiểm”

 “Nốt trầm” của thị trường bảo hiểm nhân thọ

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý 3/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Quý trước đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022. Như vậy, đây là lần đầu sau gần chục năm, doanh thu bảo hiểm 9 tháng sụt giảm.

Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (mảng chiếm 70% doanh thu toàn thị trường). Nửa đầu năm nay, mảng phi nhân thọ vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%.

Theo công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2023 của Công ty TNHH Manulife Việt Nam - chi nhánh của tập đoàn tài chính Manulife tại Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 11.090 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 27,3% lên 9.787 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng mạnh 45% lên 8.800 tỷ đồng, chi phí hoa hồng bảo hiểm giảm 43% xuống còn 911 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 2.543 tỷ đồng, tăng 6%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 1.447 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Manulife Việt Nam báo lãi sau thuế gần 1.950 tỷ đồng, giảm gần 29% so với nửa đầu năm 2022. Với mức lãi này, lỗ lũy kế của Manulife Việt Nam giảm từ 5.525 tỷ đồng đầu năm nay xuống còn 3.577 tỷ đồng.

Động thái của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau ồn ào “gửi tiết kiệm thành bảo hiểm” - Ảnh 1

Đối với Dai-ichi Life, tại BCTC bán niên 2023 vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.440 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 7.513 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 1% so với cùng kỳ.

Do doanh thu giảm nhanh hơn chi phí, nửa đầu năm 2023, Dai-ichi báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.568 tỷ đồng và 1.275 tỷ đồng, giảm 4% và 2% so với cùng kỳ.

Bảo hiểm AIA cũng công bố BCTC giữa niên độ cho kỳ kế toán 6, ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 7.573 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.592 tỷ đồng, tăng 32%. Báo lãi sau thuế xấp xỉ 887 tỷ đồng, tăng thêm 19% so với bán niên năm 2022. Mức lãi này góp phần đưa con số lãi luỹ kế AIA tính đến ngày 30/6 lên hơn 5.585 tỷ đồng.

Minh bạch thị trường bảo hiểm nhân thọ

Mới đây, AIA đã phát thông báo đến khách hàng bổ sung thành tố vào tên các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Theo AIA, việc bổ sung này “nhằm mục đích tuân thủ các quy định hiện hành của Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan, đồng thời giúp quý khách hiểu rõ về đặc tính các sản phẩm bảo hiểm”.

Động thái của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau ồn ào “gửi tiết kiệm thành bảo hiểm” - Ảnh 2

Việc bổ sung thành tố này áp dụng cho tên các sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng bảo hiểm liên kết đầu tư. Cụ thể, tất cả các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, tên gọi cần có thành tố “bảo hiểm liên kết chung”. Và tất cả các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, tên gọi cần có thành tố “bảo hiểm liên kết đơn vị”.

Sau thông báo này, 10 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư của AIA đã được đổi tên trên website và các sản phẩm truyền thông liên quan. Chẳng hạn, “An Phúc Trọn Đời Ưu Việt” đã được định danh đầy đủ là “Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung An Phúc Trọn Đời Ưu Việt”.

Việc thay đổi này cũng được các doanh nghiệp khác thực hiện. Manulife, Dai-ichi Life… cũng hoàn tất việc thay đổi.

 

Bảo hiểm liên kết chung được tách thành hai phần chính bao gồm bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm đầu tư. Người tham gia bảo hiểm cũng có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung. Tuy nhiên, đúng theo quy định thì mức phí này không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu (đóng định kỳ), không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu (đóng 1 lần).

Quyền lợi của bảo hiểm liên kết chung được tách bạch riêng biệt về loại bảo hiểm rủi ro (bao gồm chi phí chi trả cho các rủi ro như tử vong, thương tật vĩnh viễn) và chi phí quyền lợi đầu tư (phần mà người tham gia bảo hiểm nhận được nhờ quá trình đầu tư).

Người tham gia bảo hiểm được quyền hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ các quỹ liên kết chung. Doanh nghiệp bảo hiểm luôn thực hiện thông báo cho khách hàng về các thông tin hoạt động của quỹ liên kết chung.

Cơ cấu phí và quyền lợi của bảo hiểm liên kết đơn vị tách bạch giữa bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Người mua bảo hiểm có thể linh hoạt thỏa thuận phí bảo hiểm và số tiền trong hợp đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm đều được quyền thỏa thuận về mức độ quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo đúng quy định. Người tham gia bảo hiểm cũng có quyền được lựa chọn các mức độ đầu tư phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mình.

Đồng thời, nếu khi tham gia bảo hiểm, khách hàng không may mắn gặp tai nạn hoặc tử vong thì công ty bảo hiểm đó sẽ tiến hành chi trả lại toàn bộ giá trị đã cam kết trong hợp đồng.

 

Tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính, trả lời báo chí, đại diện Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đã cho biết đã hoàn thành thanh tra hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đó là AIA và Dai-ichi. Hiện Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và một doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 06 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.

Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra 04 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà Bộ Tài chính đã công bố ngày 30-6 vừa qua, theo ông Tuấn, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành.

Tại kết luận thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã xác định hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm.

Ngoài ra còn những sai phạm như: chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Đặc biệt là nhân viên ngân hàng - đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Tin Cùng Chuyên Mục