Eximbank (EIB) cuối cùng cũng trả cổ tức cho cổ đông sau 8 năm ròng rã, xây văn phòng sau hơn 1 thập kỷ

Quỳnh Chi

Dự kiến đây sẽ là lần trả cổ tức đầu tiên của Eximbank cho các nhà đầu tư của mình kể từ năm 2014 trở lại đây.

Trả cổ tức sau 8 năm ròng rã

Mới đây, trong hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt NamEximbank (mã CK: EIB), ĐHCĐ đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế từ năm 2017 đến năm 2021.

Theo kế hoạch này, ngân hàng sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu nhằm chi trả cho các cổ đông với tỷ lệ 20%. Như vậy, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ được nhận cổ tức tương đương với 20 cổ phiếu. Dự kiến Eximbank sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ vào Quý III năm 2022.

Có thể thấy rằng, đây là lần đầu tiên trong suốt 8 năm dài chờ đợi, cổ đông của Eximbank mới được nhận cổ tức. Lần cuối cùng Eximbank trả cổ tức cho nhà đầu tư được ghi nhận là vào năm 2014, mức chi trả bằng tiền mặt là 4% cho năm 2013. Kế hoạch trả cổ tức năm 2022 đã được Chủ tịch ngân hàng – Ông Yasuhiro Saitohcho tiết lộ, ông cũng cho biết thêm rằng Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC.

Eximbank (EIB) cuối cùng cũng trả cổ tức cho cổ đông sau 8 năm ròng rã, xây văn phòng sau hơn 1 thập kỷ - Ảnh 1

Việc hoàn tất kế hoạch phát hành cổ phiếu mới dự kiến sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ của ngân hàng Eximbank lên 14.814 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Eximbank thực hiện việc tăng vốn điều lệ sau hơn 1 thập kỷ. Lần phát hành trước đó là vào năm 2011 với tỷ lệ 17%.

Không chỉ thực hiện kế hoạch tăng vốn, Eximbank cũng đã thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022. Đợt phát hành này được công bố nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định.

Ngoài ra, trong cuộc họp ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Eximbank cũng thông báo về việc đầu tư xây dựng Tháp Eximbank bằng 100% vốn tự có. HĐQT nhiệm kỳ VII (từ năm 2020-2025) sẽ nhận trách nhiệm triển khai, lập và trình phê duyệt  quy hoạch kiến trục, báo cáo đầu tư xây dựng toà nhà Eximbank trong những kỳ đại hội tiếp theo.

Chủ tịch HĐQT Eximbank – Bà Lương Thị Cẩm Tú từng chia sẻ tại cuộc họp gần nhất cho biết tình trạng “đấu đá nội bộ” của Eximbank đã kết thúc. Hội đồng quản trị đang cố gắng đưa Eximbank trở lại quỹ đạo.

Trong năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với kết quả năm 2021. Đây được coi là mục tiêu lợi nhuận lớn nhất của Eximbank kể từ năm 2012 đến nay. Ghi nhận kết quả lợi nhuận Quý I của Eximbank đạt 809 tỷ đồng, cao gấp 3,77 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 1/3 kế hoạch đặt ra.

Eximbank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%. Huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Eximbank dự ước lợi nhuận trước thuế quý II/2022 tăng so với quý đầu năm nay. Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2022 của Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 809 tỷ đồng, cao gấp gần ba lần cùng kỳ nhờ giảm trích dự phòng.

Thông qua việc xây trụ sở Lê Thị Hồng Gấm sau hơn 1 thập kỷ

Cũng trong khuôn khổ ĐHĐCĐ năm nay, vấn đề đầu tư dự án trụ sở Eximbank tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM cũng được đưa ra để xin ý kiến cổ đông và đã được cổ đông thông qua sau hơn 1 thập kỷ dở dang.

Eximbank (EIB) cuối cùng cũng trả cổ tức cho cổ đông sau 8 năm ròng rã, xây văn phòng sau hơn 1 thập kỷ - Ảnh 2

Cách đây hơn một thập kỷ, Eximbank đã mua lại lô đất từ Văn phòng Thành uỷ TP.HCM với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng, trong đó thanh toán 144,6 tỷ đồng bằng phát hành cổ phần.

Eximbank sử dụng vị trí này làm trụ sở cho tới năm 2011, trước khi chuyển sang thuê ở Vincom Center 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, đồng thời triển khai dự án trụ sở trên lô đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm đó thông qua.

Theo dự tính ban đầu, dự án có tên gọi Eximbank Tower quy mô 5 tầng hầm, 40 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng là 69.045 m2.
Tổng vốn đầu tư 3.538 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc của Eximbank và căn hộ.

Ngày 18/12/2011, Eximbank ký hợp đồng với Công ty Nikken Sekkei để tư vấn thiết kế công trình.

Tuy nhiên do nhiều lý do, trong đó có quy định của Luật Các TCTD không cho phép ngân hàng kinh doanh bất động sản, HĐQT Eximbank ngày 23/6/2014 đã có Nghị quyết số 27 chấp thuận chủ trương cho thay đổi quy mô, chức năng của Dự án: bỏ chức năng căn hộ, chỉ còn chức năng văn phòng làm việc Eximbank, với 3 tầng hầm và 20 tầng cao.

Tiếp đó, ngày 10/7/2014, Eximbank gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM xin điều chỉnh chức năng và quy mô dự án. Chưa đầy một tháng sau, ngày 6/8/2014, Eximbank gửi thông báo đến các đơn vị tư vấn yêu cầu tạm dừng thực hiện dự án.

Và một lần nữa, ngày 8/9/2014, Eximbank lại gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM xin hủy bỏ và rút lại văn bản ngày 10/7/2014 nói trên. Sau một thời gian, ngày 3/2/2015, HĐQT Eximbank có nghị quyết với nội dung tạm thời chưa triển khai dự án này và chờ HĐQT nhiệm kỳ 6 xem xét, quyết định.

Dự án tiếp tục nóng lên trong mùa Đại hội cổ đông năm 2016, HĐQT Eximbank thời điểm đó đã trình chủ trương chọn đối tác trong và ngoài nước để liên doanh, hợp tác với tiêu chí: giảm chi phí đầu tư của Eximbank ở mức thấp nhất.

Theo đó, nhà băng này dự định chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà.

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 5/2016, các cổ đông của Eximbank đã không tiếc lời chỉ trích về dự án này. Nhiều cổ đông phẫn nộ: trong khi tòa nhà ở số 7 Lê Thị Hồng Gấm đang yên đang lành thì Eximbank lại phá bỏ.

Mấy năm qua, dự án hết thay đổi cái này đến điều chỉnh cái khác, cuối cùng thì vẫn “trùm mền”, trong khi số tiền mà Eximbank bỏ ra để thuê lại mặt bằng của Vincom Centrer ở Quận 1 là rất đắt đỏ.

Ở diễn biến mới đây, Eximbank cho biết trong năm 2018 đã thực hiện rà soát lại dự án số 7 Lê Thị Hồng Gấm và ký hợp đồng dịch vụ để thuê Công ty Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án.

Qua phân tích, đánh giá, Savills đã gửi cho Eximbank bảng đánh giá để đề xuất 3 nhà đầu tư tiềm năng. Hiện nay, Eximbank đang thực hiện các thủ tục nhằm lựa chọn nhà đầu tư để tối ưu hoá việc đầu tư và sử dụng tài sản của ngân hàng.

Theo Eximbank, lý do chậm trễ là bởi việc triển khai dự án phải tuân thủ quy định của Luật các TCTD và các quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản.

Eximbank vẫn đang tiếp tục triển khai các công đoạn trong việc đầu tư và phương án này Eximbank phải xin ý kiến NHNN và phải được ĐHĐCĐ chấp thuận trước khi thực hiện. 

Trước đó, tại các kỳ đại hội và gần nhất là ĐHCĐ bất thường của Eximbank vào ngày 15/2 thì trờ trình về xây trụ sở chính của Eximbank vẫn không được cổ đông thông qua.

Nhưng đến đại hội thường niên 2022 lần thứ 2 mới được thông qua để Ngân hàng có thể triển khai xây dựng trụ sở tại Lê Thị Hồng Gấm. 

Nguồn vốn đầu tư bằng 100% nguồn vốn tự có của Eximbank. Giao HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) triển khai công tác: lập và trình phê duyệt quy hoạch; lập và trình phương án kiến trúc; lập báo cáo đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank phù hợp với chủ trương đầu tư của Ngân hàng và quy hoạch của TP.HCM để trình đại hội cổ đông trong những kỳ đại hội tiếp theo để phê duyệt trước khi thực hiện. 

Tin Cùng Chuyên Mục