Giải quyết bài toán thực phẩm “bẩn”: Phải thay đổi nền tảng nông nghiệp!

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề rất đáng lo ngại và cũng khó có thể giải quyết triệt để. Với cách thức canh tác, sản xuất, kinh doanh thực phẩm của người dân Việt Nam như hiện nay, họ đang đầu độc không phải người dân thế hệ này, mà rất nhiều thế hệ mai sau. Đó là trăn trở của Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ.

Thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp…

Theo Luật sư Phạm Văn Học: Thực tế, cơ quan chức năng đã tìm thấy dư lượng thuốc trừ sâu ở dưới độ sâu hàng trăm mét, dưới các dòng sông, con suối. Và điều đó để lại hậu quả nặng nề cho không biết bao nhiêu đời sau…

“Thực tế, cho đến thời điểm này số vụ được phát hiện, điều tra và xử lý trước pháp luật về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP vô cùng ít và như là một trò đùa. Tôi đã từng biết có những người nông dân trồng rau để bán, bán không hết họ không dám mang về nhà cất mai bán tiếp vì sợ độc tố sẽ ảnh hưởng đến những người trong gia đình.

Luật sư Phạm Văn Học
Luật sư Phạm Văn Học

Cách đây vài năm, một doanh nghiệp ở Bà Rịa Vũng Tàu bị phát hiện ngâm 6 tấn chuối vào thuốc diệt cỏ để nhanh chín mang bán bị phạt có 6 triệu đồng; Rồi có trường hợp một nông trại trồng cây nhân trần vừa phun thuốc diệt cỏ xong đã đem đi bán. Hậu quả sẽ thế nào nếu người tiêu dùng mua nhân trần về đun nước uống bị nhiễm dioxin? Vậy có nên đưa tất cả những tội phạm liên quan đến thực phẩm “bẩn” nên xử ngang với các tội phạm về ma túy, mại dâm không?” – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ đặt câu hỏi.

Để giải quyết bài toán thực phẩm “bẩn”, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng phải cấm bán các sản phẩm không đảm bảo VSATTP. Theo Luật sư Phạm Văn Học: Cấm bán không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà căn cơ phải thay đổi nền tảng nông nghiệp. Một người, một cơ quan không làm được mà cả xã hội, doanh nghiệp phải chung tay giải quyết tình trạng này. Và giải pháp hữu hiệu ở đây là phải thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, phải trang bị lại kiến thức cho người nông dân, sau đó mới bàn đến chuyện xử phạt…

Kỹ sư NN Nguyễn Tiến Thành - Phòng Hậu cần trang trại đang chăm sóc vườn dưa leo Baby
Kỹ sư NN Nguyễn Tiến Thành - Phòng Hậu cần trang trại đang chăm sóc vườn dưa leo Baby

Để hiệu quả và an toàn nhất, không thể sản xuất kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ như hiện nay, mà phải tập trung hóa, cơ giới hóa. Cụ thể: Các hộ sản xuất nhỏ lẻ phải tụ lại thành những cánh đồng, hình thành nên những trang trại và tất cả phải cùng thống nhất về một chủng loại, thống nhất một kỹ thuật và thống nhất sử dụng một chế phẩm an toàn. Chứ bây giờ cứ ruộng của anh anh phun thuốc này, ruộng của tôi tôi phun thuốc kia một cách tự phát thì không ổn. Có thể thực hiện bằng rất nhiều cách: Hộ này liên kết với hộ kia, các xóm liên kết với nhau, các tổ đội liên kết thành các doanh nghiệp và nông dân cùng đóng góp cùng sản xuất một mặt hàng, nhưng phải có sự tham gia của khoa học kỹ thuật và có sự giám sát của những người có chức trách…

Thưa Luật sư những điều mà ông vừa chia sẻ chính là lý do hình thành ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm an toàn tại bệnh viện? Luật sư có thể cho biết ý nghĩa sâu xa của việc làm này?

Mô hình sản xuất thực phẩm sạch mà BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ đã và đang triển khai là rất nhỏ, nó cũng không giúp gì nhiều cho việc thay thế các thực phẩm không an toàn tại bệnh viện, bởi sản lượng thực phẩm mà chúng tôi sản xuất ra không đáng kể so với thị trường.

Các bệnh nhân, hay cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện dù có sử dụng thực phẩm sạch một tuần, một tháng ở đây, nhưng khi về gia đình họ lại ăn thực phẩm ngoài thị trường cung cấp và nguy cơ mất VSATTP vẫn có thể xảy ra. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì ở thời điểm họ đến đây họ vẫn là người bệnh, nghĩa là họ đang có vấn đề về sức khỏe, nên nếu họ được sử dụng các thực phẩm an toàn thì ít nhất nó cũng giảm nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho họ, do đó hiệu quả điều trị bệnh sẽ tăng lên.

Song song với việc cho họ sử dụng các thực phẩm đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, để họ thấy rằng mình cần phải làm cái gì đó để bảo vệ bản thân mình. Chỉ cần có thêm một người dân có ý thức như vậy đã tốt lắm rồi, và chắc chắn nguy cơ mất VSATTP sẽ hạn chế đi rất nhiều!

Tạo ra những hệ sinh thái an toàn!

Mô hình cung ứng thực phẩm sạch của bệnh viện đã và đang được triển khai như thế nào và kết quả cụ thể ra sao, thưa Luật sư?

Về chăn nuôi, chúng tôi chưa đủ sức để làm một trang trại lớn mà chỉ đầu tư nhỏ giọt. Thường thì trang trại chỉ nuôi khoảng 1000 con lợn/năm. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ mổ 2 con, một nửa phục vụ bệnh nhân, một nửa cho nhân viên. Như vậy một năm, kể cả những dịp lễ Tết, chúng tôi mổ hết 1000 con lợn. Nếu anh nuôi 1000 con lợn một lúc anh sẽ lỗ bởi khi nó trưởng thành (khoảng 1 tạ), nó sẽ không lớn nữa, khi nó cứ ăn mà sản lượng không tăng ra anh sẽ bị lỗ. Vì thế, chúng tôi chỉ nuôi 5 con một và nuôi theo kiểu cuốn chiếu và giải quyết bài toán kinh tế.

Trang trại Flycam
Trang trại Flycam

Đối với rau cũng vậy. Chúng tôi chỉ trồng một mẫu một, mỗi ngày chúng tôi chỉ trồng 2 luống rau. Cứ hết lại trồng tiếp và chỉ trồng một chủng loại để tiện chăm sóc. Hiện có khá nhiều sản phẩm sinh học an toàn dùng để diệt sâu bọ, có những sản phẩm được chiết xuất từ tinh giàu có tác dụng đuổi sâu bọ rất hiệu quả và chúng tôi tăng cường áp dụng các phương pháp đó.

Mới đây, bệnh viện đầu tư thêm một trang trại nữa và tuyển hẳn một kỹ sư chuyên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, rồi hàng ngày xuống trang trại với mục đích tạo ra một hệ sinh thái để phát triển. Vừa qua, chúng tôi vừa khai trương một siêu thị rau an toàn tại bệnh viện. Các  cán bộ, nhân viên, bệnh nhân đến đây mua rất đông. Việc làm này không chỉ giải quyết số rau dư thừa, mà còn tạo thêm thu nhập cho các cán bộ, nhân viên tham gia sản xuất tại nông trại.

Đại lý cung ứng rau sạch cho nhân viên
Đại lý cung ứng rau sạch cho nhân viên

Để bổ sung thêm dinh dưỡng cho các bữa ăn của cán bộ nhân viên và người bệnh, chúng tôi liên hệ và ký hợp đồng với một đơn vị chuyên cung cấp thủy sản dưới Hải Phòng chuyên cung ứng thủy hải sản cho bệnh viện. Các sản phẩm này phải được đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối, nếu có vấn đề gì xảy ra họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hay nước mắm, bệnh viện phải cử người xuống tận Tĩnh Gia, Thanh Hóa để khảo sát và tìm mua loại nước mắm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Trước những kết quả đạt được, rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, các doanh nghiệp đã đến đây học hỏi kinh nghiệm, và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, để mô hình này có thể lan tỏa ra cộng đồng, xã hội, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thực ra, việc bỏ ra một vài tỷ đồng để đầu tư vào mô hình trang trại nuôi trồng thực phẩm sạch không phải là khó. Vấn đề ở đây là cách làm và cơ chế giám sát có tốt không thôi. Và tôi mong muốn, ít nhất mỗi cơ sở y tế sẽ có một nơi nuôi trồng thực phẩm sạch như BVĐK Hùng Vương./.

Trân trọng cám ơn luật sư!

Tin Cùng Chuyên Mục