Hà Nội tăng cường quản lí lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” (ATTP) giai đoạn 2016 - 2020 và đánh giá 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội vừa được tổ chức.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, 5 năm qua, Hà Nội đã xây dựng và tổ chức nhiều mô hình hay, hiệu quả trong quản lý ATTP, nhờ đó, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn TP kiểm tra 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ và 14 bị can có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng… Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ngành y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai 2 chương trình, hoạt động để kiểm soát ATTP, đó là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và Phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thông qua việc xây dựng 4 mô hình như: Quản lý ATTP bếp ăn tập thể; Hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học; Kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người và Xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát…

Thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở
Thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở

Thực hiện Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 huyện, quận, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Sau 1 năm triển khai, theo báo cáo, có 64.130 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát hiện 10.318 cơ sở vi phạm (chiếm 16,1%), có 5.351 cơ sở bị phạt tiền với số tiền hơn 10,88 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện các lỗi vi phạm chủ yếu như: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; Vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; Cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng; không được che kín; Không thực hiện lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước; Khu vực sơ chế, chế biến có côn trùng, động vật gây hại; Nhãn mác chưa đầy đủ nội dung theo quy định…

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đánh giá: Nhờ việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đã giúp cho nhận thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo nhanh trong việc phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ TP tới xã, phường, thị trấn, góp phần tăng hiệu quả cho công tác quản lý ATTP ngay tại từng địa phương” - ông Trần Văn Chung cho hay.

Tin Cùng Chuyên Mục