Kinh doanh 'thụt lùi', hoạt động mảng chính kém hiệu quả, Vietcap (VCI) nhận thêm khoản vay 45 triệu USD từ nước ngoài

Quỳnh Chi

Khoản vay vừa ký kết là lần đầu tiên Vietcap huy động vốn từ nước ngoài sau khi đổi tên. Việc đổi tên được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc gần đây.

Vay nước ngoài thêm 45 triệu USD

CTCP Chứng khoán Vietcap (mã CK: VCI) đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay trị giá 45 triệu USD, tương đương 1.062 tỷ đồng. Khoản vay được Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, Ltd. thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking với lãi suất ngắn hạn dựa trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Trước đó vào tháng 10/2022, khoản vay 105 triệu USD với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, do Maybank Securities Pte. Ltd và O-Bank Co., Ltd, với tư cách là bên thu xếp và bên quản lý sổ đầu tư chính được ủy quyền, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.

Tháng 5/2022, khoản vay 100 triệu USD do Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Megabank) thu xếp thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài của ngân hàng này.

Tháng 11/2021, khoản vay 100 triệu USD với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, từ một nhóm ngân hàng do Maybank Kim Eng Securities Pte Ltd (nay là Maybank Securities Pte Ltd) thu xếp, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.

Tháng 5/2020, khoản vay hợp vốn không đảm bảo trị giá 40 triệu USD từ một nhóm ngân hàng do Ngân hàng Sinopac đứng đầu.

Khoản vay vừa ký kết là lần đầu tiên Vietcap huy động vốn từ nước ngoài sau khi đổi tên. Trước đó, Công ty chứng khoán này đã bất ngờ đổi tên từ Chứng khoán Bản Việt thành Chứng khoán Vietcap do tên cũ có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự.

Theo lý giải, việc được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của VietCap và do đó cần phải nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu. Công ty đánh giá tên gọi “Vietcap” ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước biết đến.

Thực tế, tên gọi không phải mắt xích duy nhất kết nối những tổ chức có tên “Bản Việt”. Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VietCap hiện cũng là thành viên HĐQT của Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank). Ngoài ra, bà Phượng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư CK Bản Việt, thành viên HĐQT của CTCP Bất động sản Bản Việt.

Lợi nhuận đi lùi

Vietcap thực hiện đổi tên trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc gần đây. Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, các mảng kinh doanh chính của CTCK này đều hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động quý 1 của Vietcap đạt hơn 499 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 155,4 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Ngược lại, lỗ từ FVTPL tăng 9% so với cùng kỳ, lên hơn 95,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 155,4 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán cũng giảm 75% so với quý đầu năm ngoái, còn gần 89 tỷ đồng. Theo giải trình, thị trường giao dịch trầm lắng trong quý 1 với giá trị giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ là nguyên nhân chính làm cho doanh thu môi giới giảm mạnh.

Ngoài khoản lỗ từ FVTPL, chi phí từ các hoạt động tự doanh, môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính cũng tăng lần lượt 244%, 121% và 662% so với cùng kỳ. Điều này khiến chi phí hoạt động tăng mạnh hơn gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 235 tỷ đồng. Kết quả, Vietcap lãi trước thuế 80,8 tỷ đồng, giảm đến 84% so với cùng kỳ.

Kinh doanh 'thụt lùi', hoạt động mảng chính kém hiệu quả, Vietcap (VCI) nhận thêm khoản vay 45 triệu USD từ nước ngoài - Ảnh 1

Năm 2023, Vietcap đặt mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,4% và 5,6% so với thực hiện năm ngoái. Công ty cho biết kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được vỏn vẹn 15% và 8% kế hoạch sau quý đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietcap tăng 755 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 14.998 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ hơn 4.350 tỷ đồng vVốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 6.900 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với các công ty chứng khoán top đầu, thậm chí còn kém xa một số “tay chơi” mới nổi. Quy mô vốn khiêm tốn khiến VietCap gặp khó trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ.

Tính đến cuối quý 1, dư nợ cho vay margin của Vietcap chỉ đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với hồi đầu năm. Tỷ lệ margin/VCSH ở mức 73%. Con số này khá thấp so với mặt bằng chung nhưng nếu tính trên số tuyệt đối, dư địa có thể cho vay thêm của Vietcap cũng không lớn nếu so với các công ty chứng khoán lớn khác.

Tin Cùng Chuyên Mục