Luật sư Việt Nam: Nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội cũng như cách mạng công nghệ 4.0 khiến cho cuộc sống của con người ngày càng tiến bộ, văn minh. Theo đó một nhu cầu tất yếu, chính đáng, được đề cao của con người là bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Chính thời điểm này, nghề luật sư (LS) được coi trọng và nhìn nhận xứng đáng với vai trò, sứ mệnh nhất. Làm gì để nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp LS cũng như chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) là vấn đề đáng được quan tâm!

Chất lượng, số lượng luật sư chưa đáp ứng!

Những năm gần đây số lượng LS, tổ chức hành nghề LS ngày một gia tăng và nền tư pháp nước ta cũng đã có nhiều chính sách bổ sung, thay đổi để tạo điều kiện nhiều hơn cho LS hành nghề, thể hiện vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo nhận xét của LS.Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp (Đoàn LS TP.Hà Nội): Mặc dù đội ngũ LS đã tăng trưởng khá nhanh tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, đội ngũ LS đã đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực như tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, DN, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên chất lượng của đội ngũ LS vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng hành nghề, chất lượng LS tranh tụng chưa cao và còn yếu về trình độ ngoại ngữ cũng như kiến thức về pháp luật quốc tế, khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý cho các DN quốc tế và thị trường quốc tế còn khiêm tốn.

LS.Đặng Văn Cường
LS.Đặng Văn Cường

Cũng theo LS.Đặng Văn Cường: Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề LS. LS phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; Nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; Tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội. Khi tham gia hành nghề, LS vi phạm các quy định của pháp luật, quy tắc nghề nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

“LS cũng giống như một công dân khi tham gia các quan hệ xã hội, nếu vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi, các chế tài được áp dụng tùy từng tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, dân sự hoặc xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Ngoài ra, LS với tư cách là một thành viên trong tổ chức xã hội nghề nghiệp cần tuân thủ các quy tắc của tổ chức, nghề LS. Có một thực tế đáng buồn rằng dù LS là nghề với sứ mệnh cao cả là góp phần bảo vệ công lý tuy nhiên một bộ phận nhỏ LS lại sa ngã, vướng vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật. Có một số ít LS còn bỏ qua các quy tắc đạo đức ứng xử khi hành nghề” – Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp thẳng thắn đánh giá.

Tán thành quan điểm này, ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Công ty Luật HYLAP cũng nhận định: Chất lượng của đội ngũ LS hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Gần một nửa số lượng LS hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề; Hiệu quả tham gia tố tụng của LS vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp; Các LS vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến quá trình bào chữa, tranh luận, đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên toà; Một số LS còn có thái độ ứng xử nghề nghiệp chưa đúng mực trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và LS đồng nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ LS. Không chỉ vậy, LS nước ta còn yếu về trình độ ngoại ngữ cũng như kiến thức về pháp luật quốc tế. Điều này dẫn đến nguy cơ chúng ta thua ngay trên “sân nhà” trong các vụ tranh chấp liên quan đến việc mâu thuẫn giữa quyền lợi của Nhà nước Việt Nam, các DN, công dân Việt Nam với nước ngoài.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên
ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp!

Trước thực tế đó, LS.Đặng Văn Cường cho rằng: Việc nâng cao chất lượng đội ngũ LS là rất cần thiết và phải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để nâng cao chất lượng LS trong điều kiện hiện nay cần tập trung xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho LS là trọng tâm, then chốt; Tiếp đến là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ cho LS thường xuyên, kịp thời, có chất lượng và hiệu quả; Tạo ra các cơ hội và “sân chơi” cho LS học tập, trao đổi nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, về kinh nghiệm cung cấp dịch vụ pháp lý quốc tế để LS có khả năng hội nhập quốc tế. Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này cần phải thực hiện đồng bộ và sự quan tâm đặc biệt từ phía Nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức hành nghề LS và sự nỗ lực, phấn đấu, học hỏi của chính các LS.

Để nâng cao chất lượng cũng như đạo đức của người hành nghề LS, theo LS.Đặng Văn Cường: “Cần chú trọng về việc bồi dưỡng và trau dồi nghiệp vụ cũng như đạo đức của người LS. Bên cạnh chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội thì đội ngũ LS phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, liêm chính, có tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho LS là trọng tâm, là nền tảng cốt lõi để xây dựng đội ngũ LS bản lĩnh, vững vàng, không bị lay động bởi bất kỳ cám dỗ nào trong quá trình hành nghề, góp phần xây dựng và bảo vệ uy tín của nghề LS”.

Theo ThS.Nguyễn Thị Hồng Liên: Để nâng cao chất lượng cũng như đạo đức của người hành nghề luật, chúng ta cần bồi dưỡng và trau dồi về nghiệp vụ cũng như đạo đức của người LS. Cụ thể, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với nghề LS, bằng việc: Luật hóa văn hóa tư pháp nói chung, văn hóa nghề nghiệp LS nói riêng nhằm nâng cao vị thế của LS trong xã hội. Trong các giải pháp hoàn thiện lực lượng bổ trợ tư pháp, việc đào tạo nghề LS cần được chú trọng, quan tâm hơn, cũng như nên bố trí thêm thời gian, nội dung để các học viên học về đạo đức và văn hóa của nghề nghiệp LS. Từ đó mới hình thành một đội ngũ LS thật sự có đạo đức, văn hóa và tài giỏi, đương đầu với những vi phạm, tranh chấp tiềm ẩn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Bản thân LS cũng phải giữ vững bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Điều đầu tiên chúng ta cần phải tuân thủ pháp luật và hơn hết ở đây là đạo đức. Nói đến đạo đức thì nghề nào cũng quan trọng nhưng nó còn đặc biệt quan trọng hơn là đối với người hành nghề luật. LS luôn được khách hàng, xã hội giao phó những trách nhiệm nặng nề cùng với đó là sự giám sát gắt gao. Chính vì vậy, mỗi LS cần phải nỗ lực từng ngày, từng giờ, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng còn cần phải nhận thức sâu sắc được vai trò nghề nghiệp của mình làm sao cho xứng đáng với trọng trách, niềm tin được khách hàng gửi gắm.

Luật sư Việt Nam
Luật sư Việt Nam

LS.Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp (Đoàn LS TP.Hà Nội):

“Một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn cho các DN và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mà các DN rất quan tâm đó là tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành, sửa đổi thường xuyên nhưng lại chưa có tính thống nhất, đồng bộ và nhiều văn bản pháp luật chưa theo kịp với sự thay đổi của các quan hệ pháp luật phát sinh trong xã hội, hoạt động kinh doanh gây ra những “vướng mắc” cho DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động kinh doanh, đầu tư, thuế,… còn phức tạp, rườm rà và một số nơi còn có tình trạng chậm trễ, kéo dài, nhũng nhiễu.

Các DN hiện nay có nhiều hạn chế trong việc cập nhật và thực thi các chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, chính sách về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội. Thực tiễn cho thấy rất nhiều DN sai phạm trong các lĩnh vực này bởi chính sách có sự cải cách, thay đổi nhanh chóng, liên tục và nhiều DN không kịp cập nhật và thích nghi. Để áp dụng cho một tình huống vụ việc phát sinh cụ thể, DN phải tìm hiểu qua nhiều văn bản pháp luật, Thông tư, Nghị định có liên quan do các vấn đề được quy định dàn trải ở nhiều văn bản pháp luật của các năm khác nhau, trong khi đó, một số lĩnh vực lại chưa có quy định rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến khó thực hiện cho DN.

Trong một số trường hợp, các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành chậm hơn so với thời hạn thi hành quy định của các văn bản luật, Nghị định khiến cho các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh và ứng biến với các thủ tục hành chính thay đổi liên tục, làm gia tăng chi phí, thời gian không đáng có, ví dụ như các chính sách về thuế, hóa đơn, chứng từ, quyết toán thuế… Trong khi đó hầu hết DN tại Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn là DN nhỏ và vừa, trong cơ cấu, mô hình DN không có bộ phận pháp chế có chuyên môn, kinh nghiệm cao, sự hiểu biết của người quản lý DN về hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều hạn chế cũng như kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý còn thiếu chính là những nguyên nhân gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

Quá trình tiếp xúc và làm việc, tư vấn cho các DN Việt Nam, các yêu cầu chủ yếu mà DN mong muốn được LS hỗ trợ bao gồm: Tư vấn các vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh như: Đầu tư, lao động, hợp đồng, thủ tục pháp lý, cơ cấu quản lý và điều hành DN, các tranh chấp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và thương mại; Tư vấn tính hợp pháp, các rủi ro pháp lý của văn bản giao dịch kinh doanh do khách hàng soạn thảo hoặc ký kết; Tư vấn những vấn đề pháp lý về hoạt động quản trị, điều hành của khách hàng, thủ tục pháp lý liên quan đến việc thay đổi nội dung đăng ký DN, thành lập/thay đổi thông tin đăng ký đơn vị trực thuộc DN; Tư vấn các vấn đề pháp luật liên quan đến thuế, tài chính DN, bảo hiểm, nghĩa vụ tài chính Nhà nước khác; Tư vấn, thẩm định nội dung hợp đồng kinh doanh thương mại, hợp đồng lao động, hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp đến các hoạt động của khách hàng; Tư vấn kiện toàn tài liệu pháp lý nội bộ DN; Phân tích, giải đáp về quy định pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động của khách hàng; Cung cấp các biểu mẫu hồ sơ, văn bản theo quy định pháp luật.

Để hoạt động hỗ trợ DN đạt kết quả cao, bên cạnh các giải pháp về chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước cần có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ LS trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải thích pháp luật cũng như tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp cho DN. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ LS, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN là rất cần thiết trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay!”.

LS.Vũ Anh Thao - Trưởng Văn phòng LS Họ Vũ; Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

“Với quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy chất lượng của đội ngũ LS đang ngày một lớn mạnh và luôn hướng tới sự hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên qua các thông tin đánh giá và thực tế cũng phải nhìn nhận rằng: Chất lượng LS hiện nay chưa đồng đều do quá trình tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như việc thích ứng với sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ là một vấn đề cần có thời gian và sự nhạy bén nhất định. Có những LS giỏi về chuyên môn, uy tín nghề nghiệp nhưng để có thương hiệu và có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý toàn quốc, có tính chất quốc tế còn rất ít. Trong khi đó, về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp vẫn còn có một bộ phận nhỏ LS chưa cao, chưa chuyên nghiệp.

LS.Vũ Anh Thao
LS.Vũ Anh Thao

Đối với việc nâng cao chất lượng cũng như đạo đức của người hành nghề LS, chúng ta cần chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm phải ưu tiên lựa chọn, tổ chức các chuyên đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó mỗi LS cần phải ý thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp để không ngừng học tập, bồi dưỡng, rèn luyện về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi phẩm chất đạo đức. Để giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp LS, theo tôi cần có sự kiên định và tư tưởng vững vàng.

Từ thực tiễn công tác tôi nhận thấy: Điều mà khách hàng DN trăn trở, mong muốn đối với hoạt động dịch vụ pháp lý của chúng tôi đó chính là hiệu quả công việc và sự kịp thời đối với các vấn đề pháp lý trong quá trình thành lập, tổ chức, hoạt động kinh doanh. Trong đó khách hàng sẽ quan tâm nhiều đến quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động DN, các vấn đề về lao động tiền lương, pháp luật về hợp đồng và các vấn đề về thuế, nghĩa vụ tài chính. Điều đó đã yêu cầu chúng tôi phải nêu cao tinh thần “đồng hành cùng DN”, thông qua sự trao đổi, tương tác để đưa ra ý kiến kịp thời. Trong đó khi có yêu cầu dịch vụ pháp lý, chúng tôi luôn cử LS có chuyên môn, am hiểu về DN để làm việc.

Với tinh thần trên, trong thời gian tới Văn phòng LS Họ Vũ sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện nhân sự để nâng cao chất lượng LS và người lao động; Nhanh chóng thích ứng với tình hình mới đặc biệt là trong việc sử dụng công nghệ, trao đổi, tư vấn, tương tác với khách hàng thông qua trực tuyến”…

ThS.Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Công ty Luật HYLAP:

“Để góp phần tạo nên nét văn hóa riêng của nghề LS, mỗi LS phải có nhìn nhận đúng mực về nét văn hóa tư pháp nói chung và phong cách văn hóa nói riêng của nghề. Muốn làm được điều này, những người trong nghề LS phải thực sự yêu nghề nghiệp mình đã chọn lựa. Mỗi LS ai cũng có trách nhiệm phát huy và duy trì những điểm sáng của nghề, phải có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá của mình, giữ mối quan hệ tốt với mọi người và đồng nghiệp.

Từ thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho khách hàng là đối tượng DN, công ty chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều liên quan đến những vấn đề pháp lý DN cho khách hàng như: Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty; Rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của DN mình;
Rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty; Rủi ro trong hoạt động kinh doanh; Rủi ro trong vay vốn tín dụng… và thực tế là ngay cả khi DN phá sản thì cũng có rủi ro là “chết nhưng không được chôn”.

Nhu cầu được biết các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với DN là rất lớn. Vì thế công ty tôi thành lập với một đội ngũ đầy đủ và chất lượng các nhân viên cùng những LS với đạo đức tốt cũng như chuyên môn sâu sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng DN giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh để bảo vệ quyền lợi DN và định hướng phát triển giúp DN ngày một tốt hơn. Chúng tôi đưa ra những lời khuyên thiết thực cũng như giải pháp cho từng vụ việc, từng rủi ro, với phương châm giúp khách hàng cũng là giúp chính mình. Bên cạnh đó chúng tôi cũng là cầu nối giữa các DN và cơ quan Nhà nước, hỗ trợ DN thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, như vậy sẽ giúp Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ hơn cũng như cùng nhau phát triển tốt hơn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng chi nhánh công ty ra nhiều nơi hơn trên cả nước để có thể tiếp cận hỗ trợ được nhiều cơ quan, DN hơn. Để làm được điều đó, HYLAP đề ra chủ trương đưa nhân viên đi đào tạo thêm cũng như đi trải nghiệm thực tế để nâng cao trình độ hiểu biết nhằm nâng tầm đội ngũ nhân viên, luật gia, LS để họ có cái nhìn chuyên sâu, như thế sẽ giúp DN dễ dàng hơn. Không những thế, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân cả nước bằng cách tư vấn, giải đáp thắc mắc từ xa, qua các phương tiện truyền thông một cách đầy đủ nhất có thể!”…

LS.Hà Đăng Luyện (Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh):

“Có thể nói, đây là thời điểm mà xã hội Việt Nam đã nhìn nhận sát gần hơn đối với vai trò của nghề LS theo đúng chỗ đứng mà nghề này xứng đáng có được. Người dân ngày càng tìm đến LS như một nhu cầu thiết thân; Số lượng LS, tổ chức hành nghề LS ngày một phát triển, nền tư pháp nước nhà đã tạo điều kiện nhiều hơn để LS thể hiện tầm quan trọng của mình.

LS.Hà Đăng Luyện
LS.Hà Đăng Luyện

Tuy nhiên, bên cạnh lớp đàn anh dày dặn kinh nghiệm, còn số ít LS trẻ không những chưa thực sự quan tâm tới nghề LS cũng như “đạo đức” của nghề mà chạy theo “đồng tiền” và bất chấp tất cả; Chưa thực sự quan tâm tới lợi ích của thân chủ, chưa đặt mình vào vị trí, vai trò của thân chủ mà suy tính; Chưa thực sự coi việc bảo vệ thân chủ như bảo vệ chính quyền lợi của bản thân mình dẫn đến có nhiều vụ việc kéo dài, mất nhiều thời gian của tất cả các bên.
Nghề LS là một nghề rất khốc liệt và gian truân và LS phải tôi luyện theo thời gian. Do đó cần rất nhiều thời gian để đào tạo ra một LS. Như quy định hiện nay, thời gian tối thiểu để trở thành LS phải mất 6 - 7 năm đào tạo, qua nhiều cơ chế thi cử mới có thể có được tấm thẻ hành nghề.

Mỗi khi nghe thông tin trên báo đài có LS vướng vòng lao lý, tôi cảm thấy rất xót xa cho các đồng nghiệp. Bởi công sức họ bỏ ra để học tập và tôi rèn đạo đức mới có thể trở thành một LS, nhưng chỉ vì một phút yếu lòng, không làm chủ được sự cám dỗ của vật chất đã hủy hoại cả sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng có số ít những LS vướng vào vòng lao lý nhưng lỗi lại không thuộc về họ mà do sự thiếu “hiểu biết” dẫn đến vi phạm pháp luật mà không biết đến khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Điều này cho thấy khâu đào tạo còn chưa thực sự được quan tâm đúng mực.

Để khắc phục những hạn chế này, với vai trò của mình, Liên đoàn LS Việt Nam cần đưa thêm những quy định khắt khe hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ LS trẻ để họ có thêm bản lĩnh vượt qua các cám dỗ “vật chất”, để nghề LS thực sự là nghề góp phần đem lại công lý cho xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, DN; Có chiến lược và kế hoạch phát triển đội ngũ LS cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ lợi ích công và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

LS.Nguyễn Thị Thu Hoài - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội:

“Có thể nói, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thử thách đặc biệt là với các DN nhỏ và vừa; Các DN mới khởi nghiệp. Những hậu quả nặng nề do hai đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 chưa kịp khắc phục lại gặp liên tiếp thêm hai đợt dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến những khó khăn càng thêm chồng chất. Do đó, các vấn đề về tranh chấp hợp đồng kinh doanh; Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động; Giải thể DN… là một vài trong số những vấn đề nổi cộm mà DN mong muốn được tư vấn khi tìm đến LS.

LS.Nguyễn Thị Thu Hoài
LS.Nguyễn Thị Thu Hoài

Để DN tồn tại và phát triển, theo tôi cần đảm bảo những yếu tố cốt lõi như nguồn vốn, nhân lực, quản trị tài chính để duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh. Trong quá trình hoạt động của mình, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm, các DN nên thực hiện rà soát pháp lý, rà soát việc tuân thủ các quy định pháp luật như Luật DN, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, các luật thuế… để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro pháp lý, rủi ro về thuế. Thực tế hiện nay còn nhiều DN chưa thực sự chú trọng vào các vấn đề này hoặc đơn giản là chưa đủ khả năng để đầu tư thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản do thiếu nhân sự thực hiện hoặc chưa biết phải làm thế nào. Đây cũng là công việc mũi nhọn mà Công ty luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội đã và đang triển khai, nhằm giúp các DN thực hiện hoạt động kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật!”.

Tin Cùng Chuyên Mục