Nhu cầu du lịch khởi sắc, Grab thu hẹp 43% khoản lỗ ròng trong quý I

Linh Phương

Tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì Đông Nam Á này cũng kỳ vọng hòa vốn vào quý IV/2023.

Tập đoàn công nghệ Grab, một trong những công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore ghi nhận khoản lỗ ròng 250 triệu USD trong quý I/2023, thu hẹp 43% so với khoản lỗ 435 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. 

Kết quả này có được khi công ty nắm bắt được nhu cầu mạnh mẽ từ khách du lịch đến thăm thị trường Đông Nam Á, đồng thời tiếp tục cắt giảm chi phí, theo Asia Nikkei. 

Grab thu hẹp dần khoản lỗ ròng 

Theo giám đốc điều hành Grab, ông Anthony Tan cho biết, “Trong quý I, chúng tôi đã báo cáo loạt kết quả vững chắc khác, phản ánh sự tập trung có kỷ luật của chúng tôi để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận bền vững”. 

Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 525 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh gọi xe cốt lõi của Grab đã tăng 72% trong quý I so với cùng kỳ năm trước lên 194 triệu USD khi công ty tuyển dụng thêm nhiều tài xế trên toàn khu vực và hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch Covid-19.

Nhu cầu du lịch khởi sắc, Grab thu hẹp 43% khoản lỗ ròng trong quý I - Ảnh 1

"Nhu cầu di chuyển của người dùng trong khu vực tiếp tục chuyển biến theo quỹ đạo tích cực. Chúng tôi lạc quan về sự phục hồi hơn nữa trong phân khúc du lịch, đặc biệt là khi Trung Quốc mở cửa trở lại”, ông Anthony Tan nói thêm.

Giám đốc vận hành của Grab - Alex Hungate - nhấn mạnh, số lượng chuyến đi đến các sân bay trong khu vực đã tăng 133% trong quý I so với cùng kỳ năm trước và tăng 7% so với quý IV/2022. Ông tin tưởng "dư địa phục hồi vẫn còn rất nhiều" bởi lưu lượng chuyến đi hiện tại vẫn chỉ ở mức 69% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Công ty kỳ vọng tổng giá trị hàng hóa (GMV) - tổng giá trị giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng của Grab - cho mảng gọi xe sẽ đạt mức ngang ngửa thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào quý IV/2023.

Kể từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 12/2021, siêu ứng dụng Grab đã nỗ lực tránh xa chiến lược phụ thuộc vào chi phí bán hàng, khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng cũng như tần suất sử dụng ứng dụng của người dùng, qua đó dẫn đến việc nhiều năm thua lỗ.

Kỳ vọng duy trì mức hòa vốn vào quý IV/2023

Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính quý I/2023, siêu ứng dụng Grab đã duy trì triển vọng hòa vốn ở cấp độ tập đoàn trong quý cuối cùng của năm nay trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) đã điều chỉnh. Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong mảng kinh doanh giao hàng, phân khúc kinh doanh lớn nhất của công ty.

Giá trị giao dịch đang chậm lại khi nhiều người quyết định ra khỏi nhà để tới các nhà hàng ăn uống thay vì gọi đồ về nhà sau đại dịch Covid-19.

Doanh thu từ mảng giao hàng của Grab trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 275 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu là do việc mua chuỗi siêu thị cao cấp Jaya Grocer của Malaysia.

Quý I/2023, GMV cho phân khúc này là 2,34 tỷ USD, giảm 9% so với một năm trước, thời điểm nhu cầu đặt hàng về nhà tăng cao bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Grab cũng ghi nhận những bất lợi theo mùa do quý I trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra ở một số quốc gia Đông Nam Á hay mùa ăn chay Ramadan năm nay đến sớm hơn mọi năm.

Peter Oey, Giám đốc tài chính Grab cho biết, tập đoàn hy vọng các giao dịch trong mảng kinh doanh giao hàng sẽ tăng từ quý II, khi công ty mở rộng các chức năng dịch vụ. Công ty đã triển khai các tính năng tiết kiệm trên nhiều thị trường hơn, cung cấp phí giao hàng thấp hơn cho người dùng, đổi lại thời gian giao hàng sẽ lâu hơn đôi chút.

Công ty đặt mục tiêu thu hút nhiều người dùng tích cực hơn thông qua GrabUnlimited, chương trình đăng ký hàng tháng. Grab cho biết trong quý I, lượng người dùng này chiếm hơn 1/4 số lần giao hàng và chi tiêu nhiều hơn 270% so với những người không đăng ký.

Tin Cùng Chuyên Mục