Nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, TPBank (TPB) góp 75 tỷ đồng vào một công ty 16 năm không tăng vốn và kinh doanh kém hiệu quả

Trung Hiếu

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã CK: TPB) chính thức sở sữu 75% vốn CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), sau khi mua thành công 7,5 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ kết thúc vào ngày 30/01 vừa qua.

TPBank góp thêm 75 tỷ đồng, sở hữu 75% vốn điều lệ Quỹ Việt Cát
TPBank góp thêm 75 tỷ đồng, sở hữu 75% vốn điều lệ Quỹ Việt Cát

TPBank rót 75 tỷ đồng, Quỹ Cát Việt lần đầu tăng vốn sau 16 năm hoạt động

Ngày 30/1/2024, Quỹ Việt Cát đã phát hành toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 75 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong đã thực hiện mua toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 75% vốn điều lệ tại Quỹ Việt Cát và chính thức trở thành công ty mẹ của Quỹ Việt Cát.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm đối với cổ phiếu vừa mua trong đợt phát hành của Quỹ Việt Cát.

Như vậy, sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Quỹ Việt Cát sẽ tăng từ 25 tỷ đồng, lên 100 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn điều lệ đầu tiên sau 16 năm hoạt động của quỹ này, mặc dù có những lần đổi cơ cấu cổ đông và lãnh đạo.

Theo tìm hiểu, Quỹ Việt Cát được thành lập ngày 25/1/2008; địa chỉ tại tầng 11, tòa nhà Doji Tower, số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, Quỹ Việt Cát ghi nhận doanh thu doanh thu đạt 4,02 tỷ đồng, giảm 35,2% so với cùng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,47 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 0,77 tỷ đồng, tức giảm 2,24 tỷ đồng.

Với việc lỗ trong năm 2023, tại thời điểm 31/12/2023, tổng lãi luỹ kế của Quỹ Việt Cát chỉ còn 0,38 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Quỹ Việt Cát tăng 5,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1,44 tỷ đồng, lên 26,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và tương đương tiền ghi nhận 12,13 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng tài sản; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 10 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3,5 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Thực tế, chỉ gần đây sau khi lọt vào danh sách các nhà đầu tư dự kiến mua cổ phiếu của HAG, quỹ Việt Cát mới được dư luận chú ý tới.Theo đó, trong ngày 23/11, CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã công bố danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 3 nhà đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 5,67% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn); Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,73% vốn điều lệ; và ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 1,89% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, HAGL đã công bố thông tin về việc huỷ để cập nhập lại danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã thông qua và công bố ngày 23/11 với lý do danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán có sai sót do sơ suất trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh. Xuất hiện chớp nhoáng trong một kế hoạch được cổ đông HAGL quan tâm, cái tên quỹ Việt Cát vẫn khiến nhiều người chú ý.

Nợ có khả năng mất vốn tại TPBank tăng gấp đôi

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với nhiều chỉ tiêu đi lùi.Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của TPBank chỉ còn 493 tỷ đồng, giảm 1.026 tỷ đồng, tương đương 67,5% so với quý IV/2022; lũy kế cả năm đạt 4.463 tỷ đồng, giảm 1.798 tỷ đồng so với năm trước đó, tương đương 28,7%.

Trong khi đó, TPBank “cài số lùi” khi hoạt động dịch vụ tăng trưởng âm, hoạt động khác thua lỗ và đặc biệt, TPBank phải dành ngân sách rất lớn cho dự phòng. Dự phòng cao đột biến khi nợ xấu TPBank tăng mạnh.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự quý IV/2023 đạt 7.753 tỷ đồng, tăng 1.730 tỷ đồng, tương đương 28,7% so với quý IV/2022; lũy kế cả năm tăng từ 21.811 tỷ đồng lên 28.559 tỷ đồng.Chi phí lãi và các chi phí tương tự quý IV/2023 tăng 514 tỷ đồng, tương đương 15,8% lên 3.757 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 16.135 tỷ đồng, tăng so với con số 10.424 tỷ đồng của năm 2022.

Có thể thấy dù tham gia giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân nhưng TPBank vẫn ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng, thậm chí tăng mạnh hơn chi phí lãi.Kết quả là thu nhập lãi thuần của nhà băng này vẫn tăng tới 1.216 tỷ đồng, tương đương 43,7% lên 3.996 tỉ đồng trong quý IV/2023; lũy kế cả năm tăng từ 11.387 tỷ đồng lên 12.425 tỷ đồng.

Vì vậy, có thể thấy, hoạt động cho vay không phải là yếu tố khiến TPBank “đi lùi”. Lợi nhuận ngân hàng này giảm sâu khi lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 702 tỷ đồng, tương đương 86% xuống chỉ còn 114 tỷ đồng trong quý IV/2023; lũy kế cả năm giảm từ 2.692 tỷ đồng xuống 2.279 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất chính là việc TPBank dùng ngân sách cao đột biến cho dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý IV/2023 là 1.970 tỷ đồng, tăng 1.855 tỷ đồng, tương đương 1.613%; lũy kế cả năm đạt 3.946 tỷ đồng, tăng 2.102 tỷ đồng, tương đương 114% so với năm 2022.

Có thể thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến tới 1.613% là một trong những nguyên nhân chính khiến lãi ròng tại TPBank sụt giảm mạnh. TPBank phải dành nhiều ngân sách cho dự phòng vì nợ xấu cũng như nợ có khả năng mất vốn tại nhà băng này lập kỷ lục.

Cụ thể, tại ngày 31.12.2023, nợ xấu tại TPBank lên đến 4.200 tỷ đồng, chiếm 2,05% tổng dư nợ tín dụng; tăng 2.843 tỷ đồng, tương đương 210% về giá trị tuyệt đối và tăng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,84% của năm 2022 lên 2,05%.

Trong đó, đáng chú ý nhất là nợ có khả năng mất vốn tăng 610 tỷ đồng, tương đương 121% so với cuối năm 2022 lên 1.115 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất của nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tại TPBank trong thời gian gần đây.

Cần nhấn mạnh, với đà tăng 210%, trong năm 2023, nợ xấu của TPBank có tốc độ đi lên vượt trội so với đà tăng 28,3% của tín dụng.So với kế hoạch đề ra trước đó, TPBank đã hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ nợ xấu. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên của TPBank thông qua phương án tỷ lệ nợ xấu dưới 2,2%.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại thấp hơn kế hoạch rất nhiều. Cổ đông kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng là 8.700 tỷ đồng (tương ứng đà tăng 111%) nhưng con số thực hiện được chỉ là 5.589 tỷ đồng, thấp hơn 35,8% so với kế hoạch.

Tin Cùng Chuyên Mục