Quan hệ giữa Twitter với các "ông lớn" ngành công nghệ đang trở nên căng thẳng

Phong Vân

Chính sách bán "tick xanh" cho người dùng của Twitter cùng với mức phí hoa hồng cao ngất của các cửa hàng ứng dụng đã làm dấy lên mẫu thuẫn giữa nền tảng mạng xã hội này với hai "ông trùm" Apple và Google.

Sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã công bố những kế hoạch lớn cho công ty. Musk muốn tăng doanh thu mà công ty kiếm được thông qua các lượt đăng ký, đồng thời nới lỏng chính sách để nền tảng được “tự do ngôn luận” hơn. Có nghĩa là một số tài khoản đã bị cấm có thể được khôi phụcThế nhưng, kế hoạch của Musk có thể khiến Twitter nảy sinh xung đột với hai trong số các công ty công nghệ lớn nhất thế giới là Apple và Google.

Căng thẳng gia tăng

Sự thay đổi lớn nhất của Elon Musk đối với Twitter chính là tính năng Twitter Blue, bán "tick xanh" cho người dùng với giá 8 USD/tháng. Blue sẽ mang lại nguồn thu mới cho Apple và Google bởi hai hãng công nghệ này đều lấy tiền hoa hồng khi các ứng dụng thu phí dịch vụ trên nền tảng của họ. Cụ thể, nếu sử dụng hệ thống thanh toán trên App Store của Apple, các ứng dụng phải trả phí 30% cho tập đoàn. Còn đối với Play Store của Google, mức phí này là 15%.

Căng thẳng giữa Twitter và hai "ông trùm" Apple và Google bắt đầu từ đây. Tuần trước, Musk đã phàn nàn về cách 2 công ty thu tiền trong một tweet.

“Rõ ràng mức phí của cửa hàng ứng dụng là quá cao do sự độc quyền của iOS/Android. Đó là một loại thuế không minh bạch”, Elon Musk chia sẻ. "Chief Twitt" cho rằng mức phí hoa hồng cao ngất này có thể đảo lộn kế hoạch chi tiêu số tiền công ty thu được từ Blue mỗi tháng. 

"Trở mặt" vì phí hoa hồng

Twitter và Apple vốn là đối tác trong nhiều năm. Vào năm 2011, Twitter được Apple tích hợp mặc định trên những thiết bị chạy hệ điều hành iOS của tập đoàn. CEO Apple, Tim Cook, thường xuyên sử dụng nền tảng để quảng bá iPhone mới cũng như các sản phẩm khác của tập đoàn. Thế nhưng, việc ra mắt tính năng mới có thể sẽ đẩy Twitter vào thế đối đầu với Apple và cả Google.

Năm 2021, doanh thu của Twitter đạt  5,08 tỷ USD. Nếu trong tương lai, phí dịch vụ "tick xanh" chiếm 50% số doanh thu như dự đoán của Musk thì mỗi năm nền tảng này sẽ phải chi trả hàng trăm triệu USD tiền phí hoa hồng cho hai "ông lớn". Đây là một khoản tiền lớn với Twitter.

Từ xưa đến nay, Apple vẫn luôn quy định các ứng dụng trong App Store phải sử dụng hệ thống thanh toán mặc định của hệ thống và thu 30% phí hoa hồng. Các công ty như Epic Games, Spotify,… đã từng kêu gọi phản đối quy tắc của Apple và Google. Microsoft và Meta cũng từng lên án gay gắt cách tính phí của nhà Táo và không ít lần công khai chỉ trích vấn này.

Song, các động thái này dường như không ảnh hưởng gì đến chính sách thu phí. Cả hai "gã khổng lồ" công nghệ đều không ngần ngại khai trừ những app không tuân theo luật chơi này. Năm 2020, Apple đã thẳng tay khai trừ tựa game Fortnite ra khỏi App Store vì nhà phát triển Epic Games tự ý thêm phương thức thanh toán riêng trên app này.

Apple và Google sẵn sàng xóa bỏ những app không tuân theo chính sách thanh toán.
Apple và Google sẵn sàng xóa bỏ những app không tuân theo chính sách thanh toán.

Theo CNBC, với tình hình hiện tại Twitter có thể "bắt chước" nền tảng nghe nhạc Spotify. Người dùng có thể đăng ký tài khoản trên web với mức phí 9,99 USD rồi sao đó đăng nhập như bình thường trên ứng dụng. Bằng cách này, Spotify không cần phải chia một đồng hoa hồng nào. Tất nhiên, người dùng vẫn có thể đăng ký trực tiếp trên ứng dụng nhưng phải trả mức phí cao hơn là 12,99 USD. Khoản tiền chênh lệch được dùng để trả phí thanh toán cho các cửa hàng ứng dụng.

Bên cạnh đó, Twitter có thể dứt khoát như Netflix. Nền tảng này đã ngừng cung cấp dịch vụ đăng ký trực tiếp trên ứng dụng từ năm 2018. Người dùng chỉ có thể mở trình duyệt và đăng ký trên trang Netflix.com.

Tóm lại, Chief Twitt có thể bán dịch vụ Blue trên trang web của công ty với giá rẻ hơn sau đó thông báo trên trang Twitter cá nhân với hơn 118 triệu lượt theo dõi của mình rằng Blue chỉ có thể đăng ký trên Twitter.com.

Vấn đề kiểm duyệt nội dung

Ngoài vấn đề "tick xanh" vẫn còn một lý do khác để Apple và Google trừng phạt Twitter đó là chính sách kiểm duyệt nội dung. Sau khi lên nắm quyền, Elon Musk đã sa thải hàng loạt lãnh đạo cấp cao cùng với nhiều nhân sự trong mảng kiểm duyệt, đồng thời chấm dứt hợp tác với nhiều đơn vị quản lý và kiểm soát thông tin sai sự thật, mang tính tiêu cực trên nền tảng.

Có thể thấy thời gian gần đây, những nội dung tiêu cực bắt đầu gia tăng trên Twitter. Hồi tháng 10, hàng loạt nội dung không lành mạnh đã xuất hiện trên nền tảng.

Kế hoạch bán "tick xanh" xác minh tài khoản của Musk cũng dẫn đến nhiều hỗn loạn. Số lượng tài khoản giả mạo các tập đoàn và nhân vật lớn xuất hiện tràn lan trên Twitter. Sau đó, Elon Musk buộc phải trì hoãn kế hoạch triển khai chính sách Blue. Sự bất ổn này cũng khiến cho nhiều thương hiệu lớn lo ngại và quyết định chấm dứt hợp đồng quảng cáo trên nền tảng.

Tại Apple, quyền loại bỏ ứng dụng nằm trong tay Ban đánh giá điều hành, người đứng đầu là Phil Schiller, người đã xóa tài khoản cá nhân trên Twitter hồi cuối tuần trước.

Nếu "mớ bòng bong" này không được giải quyết sớm, rất có thể cả Apple và Google đều sẽ thẳng tay khai trừ Twitter như đã làm với Parler. Ứng dụng này từng bị hai "ông lớn" xóa sổ vào năm 2020 vì thiếu biện pháp ngăn chặn những nội dung độc hại và có hành vi cổ vũ bạo lực. Parler sau đó đã được thêm lại trên kho ứng dụng khi có chính sách kiểm duyệt nội dung rõ ràng.

Năm ngoái, trong một lá thư gửi lên Quốc hội, Apple cho biết công ty đã xóa hơn 30.000 ứng dụng khỏi App Store vì chứa nội dung phản cảm.

Tuy nhiên, Apple và Google dường như không muốn dùng lý do kiểm duyệt nội dung không chặt chẽ để đối đầu với Twitter vì điều đó có thể dẫn đến những cuộc tranh luận gay gắt. Có khả năng các cửa hàng ứng dụng sẽ chỉ trì hoãn phê duyệt các bản cập nhật mới thay vì đe dọa xóa hoàn toàn ứng dụng.

Tin Cùng Chuyên Mục