Sam Bankman-Fried và 9 lần sụp đổ tai tiếng của các tỷ phú toàn cầu

Như Quỳnh

Sau khi Sam Bankman-Fried và "đế chế" FTX phá sản, những lần các tỷ phú mất hàng chục tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn bắt đầu được nhắc lại.

Trong tháng này, giới đầu tư hết sức kinh ngạc khi sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu FTX sụp đổ dưới tay Sam Bankman-Fried. Chỉ trong vài ngày, cựu CEO FTX từ người thuộc top 50 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ trở thành "con nợ" của hàng triệu nhà đầu tư. Theo The Wall Street Journal, Bankman-Fried cùng các cấp dưới đã sử dụng tới 10 tỷ USD của khách hàng FTX trong các thương vụ bất hợp pháp. 

Hậu quả từ việc FTX phá sản vẫn chưa được thống kê hết, nhưng đến thời điểm này có thể nói rất ít tỷ phú lại "phất" lên nhanh và cũng mất tiền nhanh như Bankman-Fried trong 20 năm trở lại đây, ngoại trừ 9 tỷ phú dưới đây. 

1. Kanye West: Thời trang

Hãng thời trang của Kanye từng thu hàng tỷ USD mỗi năm nhờ hợp tác với adidas. Ảnh: BBC.
Hãng thời trang của Kanye từng thu hàng tỷ USD mỗi năm nhờ hợp tác với adidas. Ảnh: BBC.

Tài sản ròng cao nhất: 2 tỷ USD (Tháng 4/2022)
Tài sản ròng hiện tại: 400 triệu USD
Thời điểm sa sút: Tháng 10/2022

Sau khi Kanye West đưa ra một loạt các bình luận bài Do Thái, thuyết âm mưu và các hành vi gây tranh cãi khác, rapper kiêm nhà thiết kế đã bị đối tác chính Adidas chấm dứt quan hệ vào tháng 10. Trước đó, anh cũng bị nhà bán lẻ quần áo Gap chấm dứt hợp đồng 10 năm.

Danh sách tổ chức cắt đứt quan hệ với Ye còn có: hãng thời trang Pháp Balenciaga, nhà bán lẻ Foot Locker, công ty quản lý tài năng CAA và ngân hàng JPMorgan. Từ đó đến nay, hãng thời trang Yeezy do Kanye sáng lập gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên anh vẫn sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 400 triệu USD từ bất động sản, bản quyền âm nhạc, tiền mặt và 5% cổ phần tại Skims - thương hiệu quần áo được định giá 3,2 tỷ USD do vợ cũ Kim Kardashian thành lập. 

2. Nirav Modi: Kim hoàn

Nirav Modi. Ảnh: Sydney Morning Herald. 
Nirav Modi. Ảnh: Sydney Morning Herald. 

Tài sản ròng cao nhất: 1,8 tỷ USD (2015)
Tài sản ròng hiện tại: Không rõ
Thời điểm sa sút: 2018

Nirav Modi từng là thợ kim hoàn của nhiều ngôi sao hàng đầu như Kate Winselet, Dakota Johnson và Priyanka Chopra-Jonas. Ông sinh ra trong một gia đình buôn bán kim cương và lớn lên ở Bỉ. Sau đó, Modi chuyển đến Ấn Độ để học nghề buôn bán của gia đình và tự lập nghiệp vào năm 1999. 

Hiện tại, Modi đang phải ngồi tù ở London trong khi chờ dẫn độ về Ấn Độ do vướng cáo buộc lừa đảo Ngân hàng Punjab 1,8 tỷ USD để tài trợ cho việc mở rộng công ty Firestar International. Chính quyền quốc gia Ấn Độ đã tiến hành bán các tài sản của Modi để khắc phục hậu quả. 

3. Rishi Shah: Chăm sóc sức khỏe

Rishi Shah. Ảnh: The American Bazaar. 
Rishi Shah. Ảnh: The American Bazaar. 

Tài sản ròng cao nhất: 3,6 tỷ USD (2017)
Tài sản ròng hiện tại: 0
Thời điểm sa sút: 2018

Rishi Shah từng được ca ngợi là nhà sáng lập trẻ tuổi tài năng. Doanh nhân sinh năm 1986 bỏ học Đại học và thành lập start-up truyền thông chăm sóc sức khỏe nổi tiếng Outcome Health. Vào tháng 5/2017, Outcome Health huy động được tới 600 triệu USD với mức định giá 5,6 tỷ USD. 

Thế nhưng chỉ 2 năm sau khi được xếp hạng tỷ phú, Rishi Shah cùng hai CEO bị buộc tội gian lận 1 tỷ USD từ khách hàng, nhà đầu tư và người cho vay bằng cách tung báo cáo tài chính và quảng bá sản phẩm sai lệch. Cả 3 đều không nhận tội và sẽ hầu tòa vào năm 2023. 

4. John Kapoor: Nhà sản xuất thuốc

John Kapoor. Ảnh: Forbes. 
John Kapoor. Ảnh: Forbes. 

Tài sản ròng cao nhất: 3,3 tỷ USD (2015)
Tài sản ròng hiện tại: Không rõ
Thời điểm sa sút: 2017

John Kapoor là người sáng lập kiêm CEO công ty sản xuất thuốc Insys Therapeutics. Vào tháng 10/2017, Kapoor bị bắt và bị buộc tội âm mưu hối lộ các bác sĩ để kê đơn thuốc fentanyl Subsys cho cả những bệnh nhân không cần đến. 

Insys tuyên bố phá sản và ngừng hoạt động vào năm 2019. Doanh nhân gốc Ấn Độ, rơi khỏi BXH tỷ phú Forbes chỉ vài tháng sau khi bị bắt. Đến năm 2020, ông nhận bản án 5 rưỡi tù vì tội âm mưu gian lận. 

5. Elizabeth Holmes: Y tế

Elizabeth Holmes. Ảnh: Theranos.
Elizabeth Holmes. Ảnh: Theranos.

Tài sản ròng cao nhất: 4,5 tỷ USD (2015)
Tài sản ròng hiện tại: 0
Thời điểm sa sút: 2016

Đồng sáng lập Theranos, Elizabeth Holmes từng được hàng triệu người ngưỡng mộ khi tuyên bố phát triển một thiết bị có thể cách mạng hóa việc xét nghiệm máu bằng cách chỉ sử dụng một hoặc hai giọt máu từ đầu ngón tay người. 

Năm 2015, cựu sinh viên từng bỏ học Stanford là người phụ nữ tự lập giàu nhất nước Mỹ. Chỉ một năm sau, Forbes hạ ước tính tài sản của Holmes về không khi Theranos đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra từ các cơ quan liên bang Mỹ.  

Năm 2018, Elizabeth Holmes bị truy tố vì tội lừa đảo và vừa bị kết án hơn 11 năm tù trong tháng này. 

6. Eike Batista: Dầu khí

Eike Batista. Ảnh: Wikipedia. 
Eike Batista. Ảnh: Wikipedia. 

Tài sản ròng cao nhất: 30 tỷ USD (2012)
Tài sản ròng hiện tại: Không rõ
Thời điểm sa sút: 2013

Doanh nhân dầu khí người Brazil Eike Batista từng khẳng định rằng  ông sẽ trở thành người giàu nhất thế giới. Từng có thời gian quyết tâm này hoàn toàn có thể thành hiện thực. 

Vào đầu năm 2012, Batista nắm giữ khối tài sản 30 tỷ USD khi giá cổ phiếu công ty năng lượng EBX Group của ông tăng vọt. Một năm sau đó, EBX Group bắt đầu sụp đổ khi không đạt được các mục tiêu sản lượng và tài chính. 

Năm 2013, OGX (công ty con lớn nhất của EBX Group) nộp đơn xin phá sản do không thể thanh toán khoản trái phiếu 45 tỷ USD, đánh dấu vụ vỡ nợ công ty lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latinh. Batista đã bị kết án 30 năm tù vào năm 2018 và hiện được cho là đang chịu sự quản thúc tại gia. 

7. Vijay Mallya: Rượu và Hàng không

Vijay Mallya. Ảnh: The Drinks Business. 
Vijay Mallya. Ảnh: The Drinks Business. 

Tài sản ròng cao nhất: 1,6 tỷ USD (2007)
Tài sản ròng hiện tại: Không rõ
Thời điểm sa sút: 2012

Ở Ấn Độ, Vijay Mallya từng có biệt danh “Ông vua của những thời điểm tốt đẹp” vì lối sống xa hoa. Mallya điều hành United Spirits, một trong những công ty rượu lớn nhất Ấn Độ và hãng hàng không Kingfisher Airlines.

Sau khi bước chân vào lĩnh vực hàng không vào năm 2005, ông trùm rượu phải gánh khoản nợ hơn 1 tỷ USD tại nhiều ngân hàng Ấn Độ. Kingfisher Airlines từng phải đóng cửa vào năm 2012, các nhân viên và phi công không được trả lương trong nhiều tháng liền trong khi Mallya liên tục tổ chức các bữa tiệc đắt đỏ. 

Vijay Mallya hiện đã bỏ trốn và các ngân hàng Ấn Độ vẫn đang tìm cách để đòi các khỏa nợ chưa thanh toán của ông. 

8. Allen Stanford: Tài chính

Allen Stanford. Ảnh: Celebrity Net Worth. 
Allen Stanford. Ảnh: Celebrity Net Worth. 

Tài sản ròng cao nhất: 2,2 tỷ USD (2008)
Tài sản ròng hiện tại: 0
Thời điểm sa sút: 2009

Stanford bị kết án vào năm 2012 vì điều hành dự án Ponzi trị giá 7 tỷ USD thông qua Tập đoàn tài chính Stanford do chính ông làm chủ. 

Theo các công tố viên, cựu tỷ phú thu số tiền khổng lồ trong suốt 2 thập kỷ bằng cách bán chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao lừa đảo thông qua Ngân hàng Quốc tế Stanford có trụ sở tại Antigua. Năm 2012, ông bị kết án 110 năm tù, và đang thụ án trong một nhà tù ở Florida.

Cho đến nay, các nạn nhân của Stanford mới chỉ được bồi thường hơn 1 tỷ USD. 

9. Adolf Merckle: Công nghiệp

Adolf Merckle: Ảnh: Getty Images.
Adolf Merckle: Ảnh: Getty Images.

Tài sản ròng cao nhất: 12,8 tỷ USD (2007)
Tài sản ròng hiện tại: Không rõ
Thời điểm sa sút: 2008

Merckle là một doanh nhân trong ngành công nghiệp Đức bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông tìm cách cứu tập đoàn VEM Vermoegensverwaltung của mình bằng cách vay mượn bắc cầu 1 tỷ USD nhưng không thành. 

Khi đế chế VEM Vermoegensverwaltung chuẩn bị sụp đổ, Merckle đã tự kết liễu đời mình ở quê nhà Blaubeuren, Đức vào năm 2009. Con trai ông, Ludwig Merckle thay cha tiếp quản công ty và bán nhiều tài sản trong gia đình để cứu tập đoàn. Nỗ lực của Ludwig Merckle thành công và hiện ông được ước tính có tài sản ròng hơn 5 tỷ USD. 

Tin Cùng Chuyên Mục