Startup mua sắm trực tuyến Việt được rót vốn 7 triệu USD trong vòng gọi vốn do VNG dẫn đầu

Như Quỳnh

OpenCommerce cho biết hơn 80.000 thương gia trên toàn thế giới đã sử dụng dịch vụ của họ, trong đó có tới 30% đến từ Trung Quốc.

Công ty khởi nghiệp mua sắm trực tuyến Việt Nam - OpenCommerce vừa huy động được 7 triệu USD từ vòng Series A dẫn đầu bởi tập đoàn internet VNG - kỳ lân đầu tiên của nước ta.

VNG cho biết họ đã đầu tư 5 triệu USD và Do Ventures đầu tư 2 triệu USD cho các khoản cổ phần không được tiết lộ. Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng hoạt động ở Trung Quốc và hơn thế nữa bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ Alibaba và các ông lớn khác.

OpenCommerce phục vụ các thương nhân xuyên biên giới trực tiếp và gián tiếp thông qua "drop shippers" (một hình thức kinh doanh bán lẻ nơi người bán chấp nhận đơn đặt hàng của khách nhưng không giữ hàng hóa đã bán trong kho).

OpenCommerce khẳng định họ có thể giúp các nhà bán lẻ Trung Quốc tiếp cận khách hàng quốc tế. (Ảnh chụp màn hình từ trang web OpenCommerce).
OpenCommerce khẳng định họ có thể giúp các nhà bán lẻ Trung Quốc tiếp cận khách hàng quốc tế. (Ảnh chụp màn hình từ trang web OpenCommerce).

Mô hình kinh doanh của OpenCommerce khá tương tự với Shopify (Canada). Họ bán các mẫu website, hỗ trợ thanh toán và dịch vụ khác cho các thương gia trên internet. Theo Nikkei Asia, đây là một trong những tập đoàn địa phương hiếm hoi đối đầu trực tiếp với những gã khổng lồ thương mại điện tử ở một thị trường cạnh tranh cao như Trung Quốc.

OpenCommerce công bố khoản tài trợ từ vòng Series A vào ngày 24 sau khi VNG yêu cầu họ trì hoãn việc thông báo để chờ "thời điểm thích hợp hơn". OpenCommerce cho biết, hơn 80.000 thương gia trên toàn thế giới đã sử dụng dịch vụ của họ để tạo trang web, tìm nhà cung cấp và xuất khẩu hàng hóa.

Trong đó, 30% các thương gia đến từ Trung Quốc và công ty hy vọng sẽ mở rộng văn phòng tại Thâm Quyến từ 5 nhân viên lên ít nhất 20 người. OpenCommerce cũng xác nhận họ muốn mở rộng hơn nữa ở châu Á và bắt đầu hoạt động kinh doanh ở châu Âu và Mỹ.

Ở thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, các thương gia Trung Quốc có vô vàn sự lựa chọn, từ Taobao, JD.com đến Pinduoduo,...

Khi được hỏi tại sao khách hàng lại chọn một công ty non trẻ đến từ Hà Nội, ông Trương Mạnh Quân - đồng sáng lập kiêm CEO OpenCommerce cho biết: "Một trong những vấn đề đối với các thương gia Trung Quốc hiện nay là có quá nhiều người như họ".

CEO OpenCommerce Trương Mạnh Quân từng lọt vào danh sách Forbes Việt Nam 30 under 30 vào năm 2016. Ảnh: Linkedin.
CEO OpenCommerce Trương Mạnh Quân từng lọt vào danh sách Forbes Việt Nam 30 under 30 vào năm 2016. Ảnh: Linkedin.

Theo ông, khi người bán cạnh tranh để thu hút khách hàng, họ muốn tạo sự khác biệt thông qua các kênh mới, chẳng hạn như cửa hàng trực tuyến của riêng họ. OpenCommerce tỏ ra hữu ích với người bán Trung Quốc thiếu quyền truy cập vào các mạng xã hội lớn trên toàn cầu và gặp rào cản ngôn ngữ.  

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 24 tháng 2, VNG coi OpenCommerce là "một trong số ít công ty tại Việt Nam có sản phẩm có thể cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu lớn trong không gian thương mại điện tử xuyên biên giới".

Với sự hậu thuẫn từ Tencent, VNG gần đây liên tục mở rộng đầu tư các startup Việt, chẳng hạn như công ty thương mại điện tử Tiki và Telio, EcoTruck, và Got It. VNG khẳng định "cam kết hỗ trợ những người sáng lập mạnh mẽ đang hoạt động trong các ngành phát triển nhanh".

Tin Cùng Chuyên Mục