Tháo gỡ khó khăn về thủ tục về bất động sản, đưa nhiều dự án vào sử dụng

Trúc Linh

Nhiều khu vực đất đai, dự án bất động sản tại TP.HCM bị dang dở, hay bị bỏ hoang nhiều năm không khai thác, sử dụng được vì vướng quy trình, thủ tục…Nhiều doanh nghiệp đang bức xúc về vấn đề quy trình, thủ tục giấy tờ… khiến dự án bị kéo dài, thậm chí bỏ hoang, gây tốn kém nguồn lực.

Bỏ hoang vì vướng thủ tục

Ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm CLB các doanh nghiệp thép TP.HCM, cho biết mảnh đất của ông mua tại quận 7 (TP.HCM) bỏ hoang hơn 30 năm qua do không chuyển được mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Dù không vướng mắc gì nhưng đã 5 lần nộp hồ sơ vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất. 

Tháo gỡ khó khăn về thủ tục về bất động sản, đưa nhiều dự án vào sử dụng - Ảnh 1

Ngoài khu đất của ông Khương, vẫn còn nhiều khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Ông Khương cho rằng cần có biện pháp đưa những miếng đất này vào khai thác sử dụng hiệu quả, bởi người dân thì không có nhà ở, doanh nghiệp không có kho bãi để lưu trữ hàng hóa.

Thủ tục quá phức tạp, kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp nản, bỏ đi tìm nơi khác đầu tư. Chẳng hạn, ở Bình Phước, Long An, doanh nghiệp chỉ mất vài tháng để chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Khương cho rằng nếu chính quyền không mạnh dạn thì dân chết, doanh nghiệp chết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, trong vòng 3-4 năm trở lại đây số dự án đầu tư mới ở TP.HCM rất ít, gần như không có. Tại sao TP.HCM lại để “chảy máu” tư sản khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đi nơi khác, mà nguyên nhân chủ yếu do thủ tục đầu tư…

Không riêng các dự án nhà ở thương mại, ngay cả nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng bị đình trệ nhiều năm vì vướng… chỉ tiêu ưu đãi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM có những dự án đã có đất nhưng để trống thời gian dài. Do dự án nhà ở xã hội được tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng, kéo theo tăng dân số. Như vậy, khu vực dự án triển khai phải còn chỉ tiêu dân số thì mới được phê duyệt. 

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị cần phải xem xét chỉ tiêu dân số trên nguyên tắc “bình thông nhau”. Đó là, 13 triệu dân đang sinh sống tại TP.HCM thường trú ở quận huyện nào, có đóng bảo hiểm xã hội, làm việc trên địa bàn thành phố thì có quyền mua nhà ở xã hội không phân biệt quận, huyện.

“Chẳng hạn, một người ở quận 6 nên được mua nhà ở xã hội ở Bình Chánh, khi đó tổng quy mô dân số của TP không đổi, nhưng nếu áp dụng cụ thể theo địa bàn xã thì đã hết chỉ tiêu dân số để phê duyệt dự án", ông Châu nói.

Sẽ rút ngắn quy trình

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay sở phải chịu trách nhiệm trên 70 thủ tục hành chính liên quan. Trong khi đó, một số phòng - ban chức năng mới phụ trách các lĩnh vực mới như hạ tầng kỹ thuật, giao thông… nên chưa nắm sâu hoặc do cán bộ đã chuyển công tác...

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt quy định thay đổi, trong đó liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng dự án, đặc biệt là dự án nhà ở, trong khi một số đầu mối liên quan lại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc thay đổi quy trình xử lý hồ sơ còn do quy định chồng chéo làm kéo dài thời gian xử lý. Hiện Sở Xây dựng đã kiến nghị và UBND thành phố đang xây dựng lại quy định phối hợp để phù hợp thực tế.

"Chỉ riêng về thủ tục cấp phép, nếu đúng quy trình, 1 dự án kể từ khi bắt đầu đến xong giấy phép phải mất từ 1,5-2 năm, có dự án bị kéo dài đến 5 năm. Chính quyền TP HCM đã thấy những vướng mắc, bất cập và nhiều lần đề xuất Chính phủ giải quyết thời gian qua" - ông Huỳnh Thanh Khiết nói.

Hiện tất cả công trình xây dựng nhà ở hay dự án quy định đều phải là 100% đất ở, chỉ cần có liên quan đến đất công dù 1 m2 cũng phải đấu giá, gây khó khăn cho việc cấp phép xây dựng.

Đến thời điểm hiện tại, cơ bản quy trình cấp phép cho nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ đã được tháo gỡ và cơ quan quản lý đang tiếp tục trình để rút ngắn việc cấp phép cho nhà ở thương mại với thủ tục, quy trình công khai, minh bạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TP HCM.

Gần đây, HoREA đã gửi nhiều đơn kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho hơn 110 dự án bất động sản của các doanh nghiệp. Chính phủ đã thành lập tổ công tác vào TP.HCM để tháo gỡ cho từng dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, thông tin đã 3 lần gửi kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho tổng cộng 113 dự án của DN bất động sản, chủ yếu về thủ tục cấp phép, vướng mắc cách tính tiền sử dụng đất, cấp sổ hồng cho người dân… Đến nay, TP HCM cũng đã có hỗ trợ xử lý nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Do đó, sắp tới DN mong muốn có thêm những buổi đối thoại để các sở, ban - ngành liên quan cùng tháo gỡ khó khăn. 

Về nhà ở xã hội, theo ông Khiết, thực tế các nhà dự án nhà ở xã hội không phải lo phần tiện ích công cộng, như: cây xanh, trường học. Vì nếu muốn đưa thêm 1.000 người dân về sinh sống thì cần có thêm 2.000m2 cây xanh và 210 chỗ học, tương ứng 2.100m2 đất làm trường học ở các quận nội thành phát triển như TP. Thủ Đức. Do đó, rất khó “nén” các dự án vào những khu vực đã đủ quy mô dân số .

Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang trình UBND  thành phố điều chỉnh quy hoạch theo hướng "bình thông nhau", trên cơ sở đảm bảo hạ tầng và tiện ích. Sở Xây dựng đề xuất vẫn phê duyệt các dự án làm tăng quy mô dân số không quá 20%.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng đất nông nghiệp có thể chuyển đổi thành đất ở, đất thương mại dịch vụ nếu phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm, có dự án đầu tư được duyệt, không vi phạm Luật Đất đai…

Tin Cùng Chuyên Mục