Thị trường bất động sản dự báo khởi sắc trong năm 2024

Lê Nam

Thị trường bất động sản có khả năng và triển vọng phục hồi vào nửa cuối năm 2024 trở đi, đồng thời duy trì phát triển bền vững.

Thị trường bất động sản dự báo khởi sắc trong năm 2024

Thị trường ấm lên

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố báo cáo Thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, nhìn tổng thể, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian. Thị trường dù chưa đủ lực để “vượt dốc”, nhưng phần nào đã thoát khỏi trạng thái “mất phanh”.

Cụ thể được thể hiện rõ nét thị trường bất động sản TPHCM. Dữ liệu cho thấy, tại quý I tăng trưởng âm 16,2%. Đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm 11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý I. Cuối quý III tuy vẫn còn tăng trưởng âm 8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý I.

9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TPHCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%), gồm 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%).

Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước), phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, qua các năm, giá nhà ở liên tục tăng cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị… khiến việc thuê hay sở hữu một căn nhà riêng càng trở nên khó khăn hơn.

Đến cuối tháng 9, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Nhiều cơ hội

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Quốc hội đang xem xét các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Nếu các luật này được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế sẽ tháo gỡ vướng mắc cho thị trường.

Ngoài ra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phát huy được nguồn lực đất đai, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án bất động sản trong cả nước.

Tin Cùng Chuyên Mục