Traveloka đặt mục tiêu tăng thị phần tại Đông Nam Á, chú ý đến nhu cầu bền vững khi ngành du lịch "nóng" trở lại

Linh Phương

Ngoài quê nhà Indonesia, Traveloka cũng đang tập trung vào thị trường trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu mở rộng tăng trưởng.

Traveloka - trang web đặt chỗ du lịch trực tuyến hàng đầu của Indonesia - sẽ tung ra nhiều lựa chọn du lịch bền vững hơn cho người dùng trong năm nay, khi kỳ lân công nghệ này đặt mục tiêu mở rộng thị phần của mình tại thị trường đang phát triển của Đông Nam Á, theo Asia Nikkei.

Traveloka "bắt tay" với tổ chức lữ hành và du lịch quốc tế

Caesar Indra, chủ tịch Traveloka cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi muốn giới thiệu sự lựa chọn toàn diện nhất nhưng cũng có chất lượng cao. Chúng tôi đã cam kết và sẽ đóng vai trò nhiều hơn nữa đối với mục tiêu du lịch bền vững ở Đông Nam Á”.

Caesar Indra - Chủ tịch của Traveloka.
Caesar Indra - Chủ tịch của Traveloka.

Kể từ năm ngoái, Traveloka đã hợp tác với Global Sustainable Tourism Council (GSTC), một tổ chức phi chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về lữ hành và du lịch, cung cấp một loạt chương trình đào tạo về du lịch bền vững và các phương pháp hay nhất cho các đối tác khách sạn của mình ở Indonesia.

Được dẫn dắt bởi GSTC, mỗi chương trình bao gồm 2,5 ngày đào tạo toàn thời gian ngoại tuyến hoặc 4 tuần đào tạo bán thời gian trực tuyến. Sau khi tài trợ cho các chương trình trong nước, ông Indra cho biết, Traveloka sẽ cung cấp chúng tại các thị trường khác khu vực, bắt đầu ở Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong năm nay.

Sau khi các khách sạn hoàn thành chương trình và được chứng nhận, người dùng Traveloka có thể xem và chọn những khách sạn hoạt động bền vững. Hiện tại, Traveloka chỉ liệt kê những khách sạn ở Indonesia, nơi chỉ có 9 khách sạn nhận được chứng nhận GSTC, công ty cho biết.Traveloka đặt mục tiêu tăng số lượng cơ sở được chứng nhận trong mạng lưới như một phần trong nỗ lực mở rộng thị phần ở khu vực.

Ông tiết lộ, công ty cũng đang xem xét các chức năng bổ sung, bao gồm cách theo dõi và giám sát lượng khí thải "để giúp người dùng giảm lượng khí thải carbon từ chuyến du lịch của họ”.

Theo ông Indra, nỗ lực của công ty được đưa ra khi ngày càng nhiều du khách châu Á đánh giá lại cách họ đi du lịch để giảm thiểu tác hại với môi trường. Đồng thời, họ cũng tìm cách giảm tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội đối với cộng đồng, môi trường tại điểm đến.

Traveloka đặt mục tiêu tăng thị phần tại Đông Nam Á, chú ý đến nhu cầu bền vững khi ngành du lịch "nóng" trở lại - Ảnh 1

Lãnh đạo Traveloka cho biết, xu hướng này đã được thúc đẩy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Từ khách sạn, công ty lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, các công ty đang ngày càng đáp ứng nhu cầu về du lịch bền vững và Traveloka cũng không ngoại lệ.

“Đó là một xu hướng hoàn toàn khác so với trước đại dịch. Chúng tôi muốn cung cấp sự lựa chọn này cho khách hàng và trao quyền cho họ đưa ra lựa chọn dựa trên sở thích của họ”, lãnh đạo Traveloka chia sẻ.

Trong những năm gần đây, chính phủ Indonesia và Thái Lan cũng đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững. Singapore đặt mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2050, nhằm mục đích tăng số lượng khách sạn có chứng nhận bền vững, bao gồm cả GSTC, lên ít nhất 60% vào năm 2025.

Mở rộng dịch vụ đặt vé máy bay và khách sạn

Được thành lập như một công cụ tìm kiếm và tổng hợp các chuyến bay tại Indonesia vào năm 2012, Traveloka nhanh chóng chuyển sang cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và khách sạn của riêng mình. Công ty hiện đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á, với hơn 200 hãng hàng không và 1,8 triệu khách sạn được tích hợp trong ứng dụng và có khoảng 55 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Traveloka đặt mục tiêu tăng thị phần tại Đông Nam Á, chú ý đến nhu cầu bền vững khi ngành du lịch "nóng" trở lại - Ảnh 2

Ông Indra cho biết, ngoài quê nhà Indonesia Traveloka đang tập trung vào thị trường trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu mở rộng tăng trưởng.

Bên cạnh đặt chỗ trực tuyến, Traveloka cũng cung cấp các dịch vụ tài chính từ thanh toán kỹ thuật số đến bảo hiểm. Vào năm 2018, công ty đã ra mắt dịch vụ tín dụng kỹ thuật số "mua trước, trả sau" của riêng mình, bởi nhiều người Indonesia vẫn chưa có thẻ tín dụng và thanh toán qua ngân hàng vẫn là phương thức thanh toán chính.

Ông Indra cho biết, dịch vụ thanh toán trả sau của Traveloka, hiện chỉ dành cho người dùng trong nước, và dần được triển khai ở các thị trường lân cận.

Mặc dù bước vào lĩnh vực tài chính, song ông Indra nhấn mạnh, lĩnh vực du lịch sẽ tiếp tục là trọng tâm chính của Traveloka. Ông nói: “Khi chúng tôi phát triển sản phẩm và dịch vụ khác, điều này thực sự sẽ hỗ trợ ngành du lịch như một hoạt động kinh doanh cốt lõi”.

Giống như nhiều công ty du lịch khác, Traveloka cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Công ty buộc phải cắt giảm lượng lớn nhân viên và hoàn trả chi phí đi lại do doanh thu từ du lịch nước ngoài bị đình trệ khi xảy ra đại dịch.

Dù vậy, ông Indra cho biết: "Chúng tôi đang phục hồi tiến gần đến mức tương đương trước khi đại dịch bùng phát". Ông cũng nói thêm rằng, công ty đã bắt đầu năm 2023 với số lượng đặt trước tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Sự phục hồi của hoạt động du lịch xuyên quốc gia được thúc đẩy nhờ việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch trên toàn cầu, bao gồm cả sự trở lại "chậm nhưng khá ổn định" từ khách du lịch Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng chính sách Zero-Covid.

Theo một nghiên cứu năm 2022 về 6 quốc gia Đông Nam Á do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. thực hiện, tổng khối lượng dịch vụ du lịch trực tuyến trong khu vực dự kiến sẽ đạt 44 tỷ USD vào năm 2025, tăng 38% so với năm 2019.

Tin Cùng Chuyên Mục