Trí tuệ nhân tạo đang trở thành con dao 2 lưỡi với an toàn mạng

Anh Vũ

Dù mở ra cánh cửa tri thức cho nhiều kĩ sư phần mềm, AI cũng là công cụ để giới tin tặc phát triển nhanh chóng các đoạn mã độc, xây dựng nhiều hình thức tấn công tinh vi, quy mô lớn hơn.

Dù đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho thế giới công nghệ, tuy nhiên trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ cũng đang đánh hồi chuông cảnh tính với giới bảo mật toàn thế giới về những nguy hiểm tiềm tàng có thể tới từ công nghệ này. Một mặt, AI giúp quét mã nguồn, theo dõi các khả năng tấn công theo thời gian thực, mặt khác giới tin tặc sử dụng AI như một mỏ vàng để tìm ra phương thức tấn công, lừa đảo chưa từng xuất hiện.

Tờ VentureBeat cho rằng khoảng cách giữa con người với máy tính chưa bao giờ gần hơn từ khi xuất hiện AI, nhưng người thiếu kĩ năng lập trình máy tính hay mới vào nghề có thể dễ dàng tận dụng công nghệ để bổ sung kiến thức. Không những giúp việc giáo dục thêm hiệu quả, các trí tuệ nhân tạo như Co Pilot của Microsoft còn rút ngắn thời gian phát triển ứng dụng, đẩy cao năng suất của các nhóm lập trình viên thiếu nhân sự.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo được huấn luyện dựa trên các dữ liệu có sẵn, những dữ liệu ẩn chứa nguy cơ bị tin tặc tấn công. VentureBeat cho rằng rất nhiều đoạn mã nguồn được AI cung cấp lỗi thời, các đoạn mã lắp ghép từ nhiều phần khác nhau thiếu đi tính bảo mật cần có mà một lập trình viên kinh nghiệm có thể vượt qua.

Những hạn chế về bảo mật sẽ tạo cơ hội cho tin tặc tấn công vào các hệ thống, thậm chí, tin tặc có thể sử dụng AI để tạo nên những gói tin truyền đi được định dạng riêng, vượt qua được các rào cản bảo mật cấp độ thấp do AI gợi ý. Tờ VentureBeat xác nhận có nhiều đoạn mã được AI viết nên dựa trên gợi ý từ tin tặc, xâm nhập sâu vào các hệ thống máy chủ, chờ ngày kích hoạt gây ảnh hưởng lớn cho các tập thể hay người dùng.

Giống với các lập trình viên mới vào nghề, những hacker trình độ thấp có thể dễ dàng lợi dụng AI để có thêm kiến thức, tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn hơn. Với hệ thống mã nguồn mở đa dạng, sẽ rất khó để kiểm soát đâu là đoạn mã tiềm tàng nguy cơ trở thành mục tiêu cho tin tặc.

Ngoài các hình thức tấn công truyền thống, trí tuệ nhân tạo cũng mang tới hệ thống hoạt động tự động cho tin tặc, hacker có thể sử dụng AI để tạo nên nhiều công cụ tự động, truy quét các website bảo mật yếu kém hay các hệ thống có sơ hở.

Tính tới thời điểm hiện tại, có tới hàng chục hay thậm chí hàng trăm nghìn hệ thống toàn cầu gặp vấn đề về bảo mật nhưng chưa được xử lý đúng mức. Nếu như quy trình bẻ khóa các vấn đề này lâu, phức tạp, nhờ AI thời gian tìm lỗ hổng của tin tặc, viết ra các phần mềm tấn công dần được rút ngắn.

Việc nhiều doanh nghiệp chậm chân trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường bảo mật cũng là một mối de dọa lớn được các chuyên gia xác nhận. Các quy trình làm việc truyền thống cùng hệ thống lỗi thời khiến quá trình xây dựng các bản vá, chữa lỗi bảo mật chậm hơn tốc độ phát triển của mã độc.

Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lên tiếng yêu cầu dừng việc phát triển trí tuệ nhân tạo ồ ạt ở thời điểm hiện tại. Lợi ích mang lại rất lớn, tuy nhiên những hiểm nguy tiềm tàng còn đáng sợ hơn nhiều, khi các tập đoàn công nghệ chạy đua để đưa AI ra thị trường, bài toán bảo mật trở thành yếu tố ít được quan tâm. Giới chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp đang hoạt động trên môi trường mạng, cần thúc đẩy tốc độ phổ cập AI, sử dụng trí tuệ nhân tạo như công cụ sống còn để phát hiện lỗi, cập nhật cũng như chặn toàn bộ khả năng tấn công từ tin tặc cho tới khi AI được kiểm soát tốt hơn, tạo nên không gian an toàn cho cả người dùng, doanh nghiệp cũng như chặn đứng các mối đe dọa từ tin tặc.

Tin Cùng Chuyên Mục