CNBC: Chứng khoán Việt Nam hoạt động tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 5

Chỉ số VN-Index đã tăng 7,15% trong tháng 5, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tháng giao dịch khởi sắc nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với VN-Index tăng 7,15%, bất chấp dịch bệnh đang có chiều hướng xấu trong thời gian gần đây. 

Ở chiều ngược lại, Đài Loan là thị trường hoạt động kém sắc nhất ở khu vực trong tháng 5 khi chỉ số Taiex sụt giảm 2,84%. Nguyên nhân là khu vực này liên tiếp ghi nhận những chùm ca nhiễm mới không rõ nguồn lây khiến việc thực hiện các quy định, hạn chế được siết chặt hơn. Thời điểm đầu mới bùng phát dịch bệnh, Đài Loan được đánh giá cao về khả năng phòng chống Covid-19 so với những khu vực khác. 

Nhìn chung tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam và Đài Loan vẫn tương đối thấp trên thế giới, lần lượt là hơn 7.300 ca và 8.511 ca, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Đáng chú ý, Ấn Độ vẫn duy trì vị trí trong top các thị trường chứng khoán hoạt động tốt tại châu Á trong tháng vừa qua mặc dù quốc gia Nam Á này đang phải chống đỡ làn sóng bùng dịch lớn thứ hai từ trước đến nay. Kết thúc tháng 5, hai chỉ số Nifty 50 và BSE Sensex lần lượt tăng 6,5% và 6,47%.

Ông Tuan Huynh, nhà chiến lược đầu tư tại thị trường châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Deutsche Bank cho rằng thị trường chứng khoán Ấn Độ trong tháng 5/2021 không chứng kiến làn sóng bán tháo cổ phiếu hay rút khỏi tài sản rủi ro.

“Đây là điều đáng ngạc nhiên. Các nhà đầu tư dường như đã gạt bỏ tâm lý lo ngại về tình hình dịch bệnh phức tạp và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Huynh chia sẻ với CNBC.

Tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng hơn 28 triệu ca nhiễm Covid-19, trở thành quốc gia có số người nhiễm cao thứ hai thế giới. Mặc dù số ca dương tính mới theo ngày đã giảm mạnh so với mức kỷ lục 400.000 ca hồi đầu tháng 5 nhưng con số vẫn ở mức cao, khoảng 100.000 người, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Tin Cùng Chuyên Mục