Dòng tiền ngoại đang rút khỏi thị trường chứng khoán

Trần Anh

Thống kê cho thấy giao dịch khối ngoại hiện đang chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm này đã bán ròng liên tiếp từ tháng 4 năm nay đến ngày 18/8 với tổng giá trị khoảng 320 triệu USD.

Thị trường chứng khoán quốc tế kể từ tháng 7 trở lại đây đã chứng kiến sự trở lại tích cực của dòng tiền đầu tư. Nguồn vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp, dự báo những dẫu hiệu tích cực hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có sự tăng trưởng tích cực. Thanh khoản tăng mạnh nhưng chủ yếu đến từ dòng tiền nội. Thống kê cho thấy giao dịch khối ngoại hiện đang chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm này đã bán ròng liên tiếp từ tháng 4 năm nay đến ngày 18/8 với tổng giá trị khoảng 320 triệu USD.

Nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này đơn giản nhất là việc NHNN đã giảm lãi suất điều hành 150 điểm cơ bản so với đầu năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi việc Fed vẫn tăng lãi suất trong tháng 7 vừa qua. Sự chênh lệch lãi suất này khiến quỹ ngoại đẩy mạnh bán ròng để chuyển dịch dòng tiền về những khu vực có lợi suất tốt hơn.

Mặt khác, giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, khi P/E của VN Index ở mức thấp nhất 10 năm, khối ngoại đã mua ròng tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ USD. Và hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang chốt lời.

Chia sẻ tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Lu Hui Hung, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng nhận xét, thông thường thị trường chứng khoán sẽ đi trước kinh tế vĩ mô khoảng nửa năm hoặc có thể hơn. Do đó hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều ghi nhận đà tăng kể từ đầu năm 2023.

Tương tự, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 12,58% của VN Index. Nền kinh tế tốt hơn kỳ vọng ban đầu đã hỗ trợ cho sự phục hồi, tuy nhiên thị trường hiện nay có vẻ đang lạc quan thái quá.

Theo ông Hung, nhà đầu tư sẽ có xu hướng giảm tỷ trọng đối với các tài sản rủi ro trong thời gian sắp tới. Thị trường chứng khoán Việt vì thế có thể sẽ phải đối mặt với khả năng nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư.

Trong ngắn hạn, ông Hung cho rằng khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 qua đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “vùng trũng” thông tin. Cùng với tác động của triển vọng khó đoán trên thế giới, dòng vốn ngoại có thể sẽ tạm dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi. Vì vậy, dòng tiền trong nước sẽ vẫn là yếu tố chủ đạo dẫn dắt thị trường.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia cho rằng đây chỉ là vấn đề ngắn hạn. Từ năm 2024 trở đi, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng dòng tiền quay lại các thị trường mới nổi khi các yếu tố về lãi suất hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà tăng trưởng rõ ràng hơn.

Sự phát triển của thị trường trong dài hạn là rất hứa hẹn bởi tín hiệu tích cực của những điểm sáng như tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ vượt mức trung bình của khu vực và thế giới; tỷ giá và lạm phát ổn định.

“Khi tình hình kinh tế thế giới trở nên ổn định, dòng tiền này sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại”, ông Hung nhận định.

Chia sẻ về triển vọng thị trường, ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho biết, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã tăng liên tiếp, riêng trong tháng 7 dòng vốn đã vào ròng gần 43 tỷ USD, tăng hơn 60% so với tháng trước. Tuy nhiên dòng tiền vẫn chủ yếu chảy vào các thị trường phát triển.

Còn tại các thị trường mới nổi, tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa đáng kể. Giới đầu tư kỳ vọng với dự báo nền kinh tế thế giới “hạ cánh mềm” trong năm 2023 sẽ giúp dòng tiền tích cực hơn tại các thị trường mới nổi và Việt Nam.

Trong năm 2023, Việt Nam quyết tâm đạt mức mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%. Để đạt được mức đó, yếu tố đầu tư công được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, nhờ đó niềm tin của nhà đầu tư đã được cải thiện.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định cùng các chính sách hỗ trợ kinh tế đang được đẩy mạnh sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn ngoại gia tăng vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới”, ông Kang nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục