Microsoft hợp tác với siêu ngân hàng Nhật Bản để mở rộng dịch vụ tại ASEAN

Như Quỳnh

Microsoft muốn mở rộng dịch vụ tài chính tại ASEAN thông qua hợp tác với ngân hàng Sumitomo Mitsui.

Gã khổng lồ tài chính đến từ Nhật Bản Sumitomo Mitsui sẽ kết hợp cùng Microsoft để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á. Hai bên dự kiến cung cấp nhiều dịch vụ tài chính khác nhau, trong đó bao gồm cả mảng fintech. 

Sumitomo Mitsui sẽ sử dụng công nghệ đám mây của Microsoft, đồng thời kỳ vọng có thể mở rộng quan hệ đối tác với các công ty fintech đang phát triển trong khu vực. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Katsunori Tanizaki, Giám đốc đổi mới kỹ thuật số tại Sumitomo Mitsui cho biết "khát vọng của nhóm là phát triển một hệ sinh thái giải pháp nhúng (embedded solution ecosystem) ở Đông Nam Á."

Ảnh: Reuteres
Ảnh: Reuteres

Tài chính nhúng là một dịch vụ kỹ thuật số sử dụng công nghệ liên kết dữ liệu để cung cấp dịch vụ tài chính của ngân hàng một cách an toàn cho các dịch vụ kỹ thuật số không phải là các tổ chức tài chính. Tanizaki cho biết tập đoàn ngân hàng Nhật Bản "không thể tiếp cận những người chơi tài chính mới" nếu không có công nghệ của Microsoft.

"Tính trên toàn cầu, dịch vụ tài chính là một thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Các quốc gia như Indonesia và Philippines có nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng và điều này tạo cơ hội cho những người chơi fintech giới thiệu những sản phẩm mới," Chủ tịch Microsoft Châu Á Ahmed Mazhari nhận định. 

Microsoft cho thấy tham vọng lớn ở châu Á khi thiết lập nhiều trung tâm dữ liệu lớn trong khu vực. Họ cũng đầu tư vào siêu ứng dụng Grab (Singapore) và nền tảng thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia). Khi được hỏi liệu Microsoft có cùng Sumitomo Mitsui đầu tư vào các start-up ở ASEAN hay không, ông Mazhari khẳng định tập đoàn "luôn đồng đầu tư với khách hàng."

Các ngân hàng châu Âu đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực ngân hàng nhúng ở Đông Nam Á. Standard Chartered đang hợp tác với Bukalapak để cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho nhiều khách hàng thương mại điện tử.

Theo dự báo từ công ty nghiên cứu Research and Markets, doanh thu tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ khoảng 109 tỷ USD vào năm 2022 lên gần 360 tỷ USD vào năm 2029.

Với sáng kiến ​​mới của mình, Sumitomo Mitsui trước tiên sẽ tạo mối quan hệ với các nền tảng giao dịch kỹ thuật số như Contour (Singapore). Siêu ngân hàng Nhật Bản sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính cho những người tham gia nền tảng để mở rộng cơ sở khách hàng trong khu vực. Ngoài ra, tập đoàn sẽ tập trung vào việc phục vụ các công ty ASEAN là nhà cung cấp cho các nhà sản xuất Nhật Bản mà Sumitomo Mitsui có mối quan hệ chặt chẽ.

Sumitomo Mitsui và Microsoft cũng sẽ hợp tác cung cấp các công cụ kỹ thuật số để giúp khách hàng đạt mục tiêu trung hòa cacbon. Tại Nhật Bản, Sumitomo Mitsui đã có dịch vụ giúp khách hàng tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục