Ngân hàng đẩy mạnh mua lại trái phiếu, có lo ngại khó tăng trưởng tín dụng?

Trung Hiếu

Trong quý II/2023 nhóm Ngân hàng đã mua lại 39.842 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2023.

Ngân hàng đã mua lại số lượng lớn trái phiếu trước hạn.
Ngân hàng đã mua lại số lượng lớn trái phiếu trước hạn.

Nhóm ngân hàng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Theo báo cáo thị trường trái phiếu quý II/2023 do công ty chứng khoán VNDirect phát hành, hoạt động mua lại các chứng khoán nợ doanh nghiệp trước hạn đã tăng trở lại. Trong quý II/2023, đã có 62.535 tỷ đồng trái phiếu được mua lại, tăng 76,8% so với quý I/2023 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm 63,7%, tương đương với 39.842 tỷ đồng trái phiếu được mua lại.

Nhóm phân tích của VNDirect cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, lãi suất huy động đã giảm mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trong những tháng đầu năm là động lực chính để các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo ước tính, có 17 ngân hàng đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn trong quý II/2023. Trong đó, các ngân hàng đã mua lại nhiều nhất gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã mua lại 5.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông đã mua lại 5.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã mua lại 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam mua lại 4.792 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã mua lại 4.500 tỷ đồng …

Kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 7 cũng vừa được hàng loạt nhà băng công bố như: LPBank dự kiến chi 1.000 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu. Được biết, lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, được phát hành vào ngày 21/6/2022 tại thị trường trong nước với lãi suất 4,4%/năm.

Tương tự, ACB vừa có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021. Thời gian mua lại trái phiếu là ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7. Tổng mệnh giá mua lại tối đa 10.000 tỷ đồng. Giá mua thực tế bằng mệnh giá phát hành.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, từ 01/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm từ 34% xuống còn 30%. Mặt khác, nhiều dự báo cho thấy cầu về tín dụng sẽ mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm do nền kinh tế phục hồi và các ngân hàng cần phải đảm bảo tốt hơn. Điều này đã làm dấy lên lo ngại các ngân hàng có thể không đảm bảo được hệ số trên và ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Có lo ngại khó tăng trưởng tín dụng?

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp từ đầu năm đến nay, cụ thể đến cuối tháng 5 chỉ mới tăng 3,17% so với đầu năm nay, chỉ tương đương 40% tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2022 là 8,04%, trong khi thanh khoản hệ thống quá dồi dào, có lẽ phần nào hiểu được vì sao các ngân hàng tích cực mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành như vậy.

Như vậy, với việc giải ngân vốn đầu ra chưa như kỳ vọng, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn rất thấp, tình trạng thừa tiền kéo dài, các ngân hàng phải mua lại trái phiếu để giảm mức độ thừa vốn và tối ưu hiệu quả sử dụng vốn.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2, chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên,sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên năm năm trong thời gian tới, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn.

Một số chuyên gia đánh giá, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

TS. Phùng Thái Minh Trang, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Hoa Sen đánh giá, khi cho vay, các ngân hàng phải đảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Hệ số này được xác định bằng công thức: tổng dư nợ trung và dài hạn trừ đi tổng nguồn vốn trung và dài hạn, sau đó chia cho nguồn vốn ngắn hạn. Theo đó, việc các nhà băng đẩy mạnh mua lại trái phiếu có thể làm giảm lượng vốn trung và dài hạn, khiến cho tỷ lệ trên có thể bị tăng lên và không đáp ứng được quy định của cơ quan điều hành. Ngoài ra, từ tháng 10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm từ 34% xuống còn 30%. Do đó, thời gian tới tăng trưởng tín dụng có thể sẽ chịu một số ảnh hưởng nhất định từ việc mua lại trái phiếu.

Cũng theo bà Trang, tuy nhiên, các số liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy từ đầu năm đến nay, số lượng tiền gửi huy động được là hơn 12,69 triệu tỷ, cao hơn dư nợ tín dụng 268 nghìn tỷ. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn đang thu hẹp khoảng cách và dần đuổi kịp tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, có khoảng 88% tiền gửi trong hệ thống ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng (vốn ngắn hạn). Do đó, chỉ tiêu vốn này phục hồi có thể giúp giảm bớt các tác động từ việc mua lại trái phiếu. Vì vậy về tổng thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bình quân các ngân hàng có thể không thay đổi nhiều và tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn ổn định.

TS. Phùng Thái Minh Trang khuyến nghị, mặc dù các hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn được giữ ổn định, song các nhà băng nên thấu hiểu định hướng của nhà điều hành trong việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là để hạn chế chênh lệch kỳ hạn giữa các khoản cho vay và huy động, giảm thiểu các rủi ro về thanh khoản cho ngân hàng. Do đó, bên cạnh nghiêm chỉnh chấp hành quy định kể trên, các định chế tài chính này cũng nên tự chuẩn bị các biện pháp đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu an toàn và lợi nhuận.

Tin Cùng Chuyên Mục