Lãi suất thả nổi, áp lực cho người vay mua nhà

Hải Sơn

Lãi suất huy động hiện nay chỉ 6 - 7,5%/năm, nhưng các ngân hàng thương mại đang cho vay mua nhà lên tới trên 15% là quá cao. Chuyên gia cho rằng, lãi suất ưu đãi chỉ ở năm đầu tiên, sau thời gian đó, lãi suất thường là thả nổi theo thị trường và điều này rất khó khăn cho người mua nhà.

Theo một báo cáo khảo sát trong tháng 7/2023 được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây thực hiện tại 13 ngân hàng thương mại đang hoạt động trên cả nước như VPBank, VIB, OCB, StandardChartered, PVcombank, UOB, ACB, Oceanbank, MB, Hongleong, MSB... Hầu hết các ngân hàng này đều áp 2 mức lãi suất vay mua nhà với hình thức ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và không ưu đãi từ 2% đến 3,8%.

Cụ thể, mức lãi vay ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu của các ngân hàng này dao động từ 7,99-11,8%/năm. Cụ thể, Standard Chartered áp dụng mức lãi suất cho vay là 7,99%, ACB là 8,5%, Vietcombank là 9%, UOB là 9,49%, OCB là 10,5%,TPBank là 10,9%, VPBank là 11,8%…

Lãi suất sau ưu đãi - mức lãi suất thả nổi theo thị trường bao gồm lãi suất tham chiếu cộng biên độ tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5%-15,5%/năm. Trong đó, PVcomBank là 15,5%; MSB là 14,6%;VPBank là 14%, TPBank là 13,75%; MB là 13,7%. Trường hợp khách hàng trả trước kỳ hạn sẽ bị áp mức lãi suất cao hơn lãi vay thông thường 1-3%.

Hiện nay nhóm Big 4 gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cũng đang có mức cho vay rất ưu đãi. Mức lãi suất cho vay mua nhà tại BIDV là 7,8%/năm; ngân hàng Agribank là 8%/năm; Vietinbank là 8,2%/năm; Vietcombank là 9,5%/năm.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch VARS cho rằng, lãi suất huy động hiện nay chỉ 6% mà các ngân hàng thương mại đang cho vay mua nhà lên tới trên 12% là quá cao. Vì vậy, ông đề xuất lãi suất vay mua nhà ở cần điều chỉnh về dưới 10%/năm, người dân mới có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà. Nếu các ngân hàng cố duy trì mức lãi suất cho vay mua nhà trên 12%/năm thì nhiều người dân có nhu cầu mua nhà sẽ không dám vay ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, có rất nhiều ngân hàng mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất rất thấp trong 3 tháng, 6 tháng đến một năm đầu tiên. Nhưng sau thời gian đó, lãi suất thường là thả nổi theo thị trường và điều này rất khó khăn cho người mua nhà.

“Nếu lãi suất tăng lên thì họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Nhìn sang Mỹ, người đi mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn. Do đó, vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp để tìm những nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản”, TS. Hiếu nói.

Ở góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc so sánh mức lãi suất huy động hiện nay (6-7,5%/năm) với lãi suất cho vay mua nhà (10,5-15%/năm) là khập khiễng. Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng được xác định tùy vào thời hạn cho vay, thông thường 20-30 năm, cũng như mức độ rủi ro của dự án, của doanh nghiệp... Thời hạn cho vay càng dài, rủi ro càng cao, do đó lãi suất cũng phải cao", ông nhấn mạnh.

Theo ông Lực, hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ròng sau khi trừ đi dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động… của hệ thống ngân hàng trong khoảng 3% - đây là mức chênh lệch trung bình trong khu vực.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục