Lương của người lao động châu Á sẽ tăng nhiều hơn trong năm 2023

Kim Dung

Theo Nikkei, tăng lương là điều cần thiết để thích ứng với dự báo lạm phát vào năm 2023, mang lại hy vọng tăng trưởng thu nhập thực tế cho người lao động ở khu vực sau khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh trong năm nay.

Theo Nikkei Asia, các nghiên cứu gần đây cho thấy lương của người lao động ở châu Á sẽ tăng nhiều hơn vào năm tới trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và khủng hoảng lao động kéo dài.

Các nhà tuyển dụng từ Ấn Độ đến Việt Nam buộc phải tăng lương để không đánh mất nhân tài vào tay đối thủ. Những đợt tăng lương là cần thiết để thích ứng với dự báo lạm phát vào năm 2023, mang lại hy vọng tăng trưởng thu nhập thực tế cho người lao động ở khu vực sau khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh trong năm nay.

Công ty dịch vụ Aon (Mỹ) đã tiến hành khảo sát ý kiến với hơn 700 công ty trên khắp ASEAN về lương và tỷ lệ nghỉ việc. Kết quả cuộc khảo sát được công bố trong tháng này cho thấy, ngân sách tăng lương trung bình giữa các ngành trong năm 2023 được dự báo ở mức 6,8% đối với Indonesia, 5,1% đối với Malaysia, 6% đối với Philippines, 4,7% đối với Singapore, 5,1% đối với Thái Lan và 7,9% đối với Việt Nam. Tỷ lệ tăng lương của các quốc gia đều cao hơn so với năm 2022 ngoại trừ Malaysia.

Ngân sách tăng lương của Việt Nam cao nhất khu vực.
Ngân sách tăng lương của Việt Nam cao nhất khu vực.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, dù lạm phát đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy việc thay đổi tiền lương trong khối ASEAN, nhưng sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao cũng tác động đến quyết định tăng lương. Các công ty cần "giữ chân" nhân tài và giảm bớt chi phí tuyển dụng.

Rahul Chawla, Quản lý bộ phận giải pháp nguồn nhân lực khu vực Đông Nam Á của Aon cho biết: “Các công ty phải xác định phương pháp tăng lương vào năm 2023 trong bối cảnh mức lương hiện tại của họ có tính cạnh tranh. Mặc dù điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là xác định và điều chỉnh mức lương cho từng đối tượng lao động theo tính chất công việc, nhưng các công ty cần phải nhanh nhạy khi xem xét lại quy định trả lương".

Ngoài Aon, hãng tư vấn Mercer cũng công bố một khảo sát vào tháng trước cho thấy dấu hiệu tăng lương trong năm tới. Các công ty trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo mức lương sẽ tăng trung bình khoảng 4,8% vào năm 2023, tăng nhẹ so với mức 4,6% của năm 2022.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Mercer cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các quốc gia. Ấn Độ có mức tăng lương dự kiến ​​cao nhất ở mức 9,1%. Trong khi đó, Nhật Bản có mức tăng dự kiến thấp nhất ở mức 2,2%. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn một chút so với năm nay. Tại Hong Kong, tỷ lệ tăng lương trong năm tới được dự đoán là 3,71%. 

Trung Quốc là thị trường duy nhất được dự đoán sẽ giảm nhẹ, từ mức 5,4% năm 2022 giảm xuống còn 5,38% vào năm 2023. 

Trong phần lớn các trường hợp khảo sát của Mercer, mức tăng lương dự kiến của khu vực sẽ cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát dự báo cho năm 2023. Tỷ lệ lạm phát năm tới ở Ấn Độ được dự báo ở mức 5,1%, Nhật Bản là 1,4%, Hong Kong là 2,4% và Trung Quốc là 2,2%.

Tuy nhiên, một bộ phận người lao động khác đang mong muốn mức tăng lương nhiều hơn thế. Trong "Khảo sát tiền lương toàn cầu" của Công ty tuyển dụng Robert Walters cho thấy, những người lao động “nhảy việc” thường mong đợi mức tăng lương từ 15% đến 20% và thậm chí là 40% đối với những người có kỹ năng công nghệ chuyên sâu.

Tại Singapore, báo cáo cho thấy 80% nhân viên có khả năng yêu cầu tăng lương, trong đó 71% nhân viên mong muốn chủ lao động sẽ xem xét đến tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao khi đánh giá tăng lương hoặc thưởng trong 12 tháng tới.

Công ty Robert Walters cũng đã khảo sát trên 316 ứng viên cùng 105 công ty ở Singapore trong tháng 9 và thấy, hơn 78% người lao động sẵn sàng xem xét thay đổi công việc vào năm tới nếu mức tăng lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, tiền lương có thể không phải là vấn đề duy nhất.

Monty Sujanani, Giám đốc quốc gia của Robert Walters Singapore, nhận định, “Với nhiều người, tiền không còn là yếu tố duy nhất khi đưa ra quyết định với công việc. Chúng tôi thấy rằng, nhân viên buộc tìm kiếm những cơ hội khác vì cảm thấy kiệt sức hoặc chán nản vì họ không tích lũy được thêm kiến thức và kinh nghiệm trong công việc đang làm”. 

Tin Cùng Chuyên Mục