Mặc kinh tế toàn cầu bất ổn, các thương hiệu xa xỉ của Mỹ liên tục tăng giá

Phong Vân

Mọi người vẫn đổ xô đi sắm hàng hiệu mặc cho các nhãn hàng xa xỉ của Mỹ liên tục tăng giá trong hai năm qua. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm mạnh mẽ này có thể sẽ "tan biến" trong mùa đông sắp tới.

Trong những năm qua, các thương hiệu cao cấp của Mỹ vẫn liên tục nâng giá sản phẩm. Bất chấp kinh tế toàn cầu bất ổn, tình hình kinh doanh của các nhãn hàng lớn vẫn khá khả quan.

Theo số liệu của WSJ, trong quý III/2022, doanh thu thương hiệu đồ da xa xỉ Coach của công ty Tapestry tăng 5% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, hãng Ralph Lauren ghi nhận ​​doanh thu tăng 13%, vượt xa dự đoán của các chuyên gia Phố Wall. Hay tập đoàn thời trang cao cấp Capri Holdings - chủ sở hữu thương hiệu Michael KorsVersace - cũng công bố doanh thu tăng 17,5% so với một năm trước.

Hàng hiệu của Mỹ liên tục tăng giá
Hàng hiệu của Mỹ liên tục tăng giá

Trong quý vừa qua, giá các sản phẩm của hãng Ralph Lauren đã tăng 18% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 15% của năm 2020. Nguyên nhân thương hiệu của Mỹ tăng giá một phần là để phù hợp với mức giá chung của các thương hiệu khác ở châu Âu.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là nhu cầu tậu hàng hiệu vẫn tăng mạnh mặc cho giá cả liên tục tăng cao. ​​Doanh số bán hàng của Tapestry trong khu vực đã tăng 24% trong quý III. Sự tăng trưởng được thúc đẩy khi khách du lịch quốc tế gia tăng trở lại sau đại dịch, đặc biệt là khách du lịch đến từ Trung Đông. Tương tự như vậy, doanh số của Ralph Lauren tăng 15% và doanh số của Capri cũng tăng 20%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây người mua đang có dấu hiệu giảm dần chi tiêu cho những món hàng đắt tiền.

RealReal, một nền tảng bán hàng xa xỉ, cho biết mọi người đã bắt đầu chuyển sang các sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Cả hai "ông lớn" thời trang Tapestry và Ralph Lauren đều cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường hàng xa xỉ ngày càng cao khi đối thủ của họ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá sản phẩm.

Lượng người mua tại các cửa hàng của thương hiệu Ralph Lauren đang giảm dần. Thương hiệu Michael Kors của Capri cũng gặp tình trạng tương tự. Dự báo ​​doanh thu bán hàng của tập đoàn có thể sụt giảm 100 triệu USD trong năm tài chính này.

Thêm vào đó, nhu cầu mua sắm mạnh mẽ của khu vực châu Âu có thể sẽ "tan biến" trong vài tháng tới bởi người dân phải chi trả cho các hóa đơn năng lượng đắt đỏ.

Simeon Siegel, nhà phân tích tại BMO Capital Markets, cho biết các nhãn hàng xa xỉ vẫn luôn thu về khoản lợi nhuận khổng lồ kể từ trước khi đại dịch diễn ra. Mức lợi nhuận này có được tiếp tục duy trì hay không phụ thuộc phần lớn vào sự kiên trì của các thương hiệu đối với việc không giảm giá sản phẩm ngay cả khi nhu cầu của thị trường sụt giảm.

Tin Cùng Chuyên Mục