VietinBank (CTG) lên kế hoạch năm 2024 dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ

An Du

VietinBank đề xuất một số chỉ tiêu như tổng tài sản tăng trưởng từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%. 

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 27/4 tại Hội trường trung tâm - Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, Hoài Đức, Hà Nội. 

ĐHĐCĐ dự kiến sẽ thảo luận và xem xét các tờ trình về báo cáo kết quả hoạt động, kế hoạch kinh doanh 2024, bầu Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới, phương án phân phối lợi nhuận và các tờ trình khác. 

Cụ thể, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Mức chia cuối cùng sẽ cần sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chủ tịch VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình thực hiện tăng vốn vẫn diễn ra khá chậm rãi. Trong năm 2023, VietinBank mới hoàn thành phát hành thêm 564 triệu cổ phiếu, tương đương 5.643 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.

Ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 91.635 tỷ đồng.

Năm 2023 đánh dấu thời điểm tổng tài sản Vietinbank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó dư cho vay khách hàng đạt 1,44 triệu tỷ đồng, tăng 16,1% so với đầu kỳ. Tổng nợ xấu nhóm 3-5 tính đến cuối năm 2023 hơn 16.600 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tuy vậy tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, giảm từ 1,24% xuống còn 1,13%.

Tổng tiền gửi khách hàng đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% so với thời điểm đầu năm.

VietinBank (CTG) lên kế hoạch năm 2024 dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ - Ảnh 1

Về tình hình kinh doanh, thu nhập lãi thuần tăng mạnh 10,8%; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21,8%; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 19,5%; chứng khoán kinh doanh mang về số lãi gần 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 112 tỷ đồng…

Những yếu tố trên dẫn tới lợi nhuận trước thuế đạt mức tăng trưởng 18,3% lên gần 25.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 20.044 tỷ đồng, tăng 18% so với số lãi gần 17.000 tỷ đồng đạt được năm 2022.

Trong tờ trình gửi ĐHĐCĐ, VietinBank đề xuất một số chỉ tiêu như tổng tài sản tăng trưởng từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%. 

Các chỉ tiêu về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, cổ tức và tỷ lệ an toàn hoạt động theo phê duyệt của NHNN hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản. 

Giải đoạn 2024 - 2029, HDQT đề xuất kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 9 đến 10%/năm, dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì tốc độ tương tự. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức khoảng 16-18%, trong khi tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Tỷ lệ an toàn vốn sẽ tuân thủ theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ. Các mục tiêu trên đều có thể được điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, VietinBank triển khai 5 chủ điểm kinh doanh trọng tâm, bao gồm: tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng CASA (tiền gửi không kỳ hạn), đẩy mạnh hoạt động ngoài lãi, khai thác tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ, bảo lãnh, thu phí thẻ, bảo hiểm …, thu hồi nợ xử lý rủi ro và thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ sinh thái, bán chéo sản phẩm. 

Ngoài những nội dung trên, ĐHĐCĐ của VietinBank dự kiến cũng sẽ xem xét một số nội dung như thay đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của ngân hàng để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024; mức thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát; bổ sung hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán vào hoạt động của VietinBank …

ĐHĐCĐ năm 2024 cũng sẽ đánh dấu nhiệm kỳ mới của HĐQT và Ban Kiểm soát của VietinBank. Tại Đại hội, ngân hàng dự kiến sẽ bầu ra 10 thành viên HĐQT, trong đó có ít nhất một thành viên độc lập và ba thành viên Ban Kiểm soát.

Nhiệm kỳ của HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ kéo dài 5 năm, bắt đầu tư 2024 và kết thúc vào 2029. Các cổ đông của ngân hàng đủ điều kiện đề cử có thời hạn đến trước 17h ngày 12/4 để gửi đơn đề cử tới VietinBank. 

Theo Báo cáo quản trị năm 2023, đến cuối năm ngoái, HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 của VietinBank có 10 thành viên, trong đó ông Trần Minh Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ban Kiểm soát của ngân hàng gồm ba thành viên, trong đó bà Lê Anh Hà là Trưởng Ban Kiểm soát. 

Tin Cùng Chuyên Mục