ĐHĐCĐ bất thường 2023: Bamboo Airways không thông qua kế hoạch tăng vốn

Diệu Anh

Trong kế hoạch, năm nay hãng dự kiến tăng thêm 6 - 8 máy bay, sang năm 2024 thêm 10 máy bay và đạt điểm hoàn vốn, đến năm 2025 có lãi và khả năng năm 2025 - 2026 có thể niêm yết.

Kế hoạch phát hành thêm 957 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên mức 28.070 tỷ đồng của Bamboo Airways đã không được thông qua khi mà hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết không tán thành.

Ngày 10/4, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023. Đại hội có 98 cổ đông tham dự, tương ứng với 93,859% cổ đông có quyền biểu quyết.

Đại hội được tổ chức để trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ nhằm tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới.

ĐHĐCĐ bất thường 2023: Bamboo Airways không thông qua kế hoạch tăng vốn - Ảnh 1

Tờ trình trước đó cho hay Bamboo Airways dự định phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Tổng giá trị các khoản nợ được hoán đổi bao gồm lãi và gốc đã phát sinh theo các hồ sơ tín dụng tính đến ngày 10/4/2023. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm. Hội đồng quản trị (HĐQT) Bamboo Airways được uỷ quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.

Bamboo Airways đồng thời dự định phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới với mức 10.000 đồng/cổ phần, dự kiến được thực hiện ngay trong năm 2023, và cổ phần mới phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.

Bamboo Airways hiện có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương đương 1,85 tỷ cổ phần. Như vậy tổng số cổ phần sẽ phát hành là 957 triệu đơn vị, bằng 51,7% số cổ phần hiện nay và 34,1% tổng số cổ phần sau phát hành.

Nếu kế hoạch phát hành được thực hiện theo tờ trình trước đó, Bamboo Airways sẽ thu về 1.850 tỷ đồng, đồng thời được xóa khoản nợ trị giá 7.720 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm 9.570 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 28.070 tỷ đồng, tương đương hơn 2,8 tỷ cổ phần. Kế hoạch này nhằm hướng tới tái cơ cấu hiệu quả các khoản vay, đồng thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ.

Tương đương, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ tăng lên thành 28.070 tỷ đồng, vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số 1,73 tỷ cổ phiếu hợp lệ tham gia đại hội, chỉ có 43,56% cổ phiếu có quyền biểu quyết tán thành và có 56,42% cổ phiếu có quyền biểu quyết không tán thành phương án phát hành cổ phần riêng lẻ. Như vậy, phương án này không được thông qua. Kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới của Bamboo Airways đã không được đại hội chấp thuận.

ĐHĐCĐ bất thường 2023: Bamboo Airways không thông qua kế hoạch tăng vốn - Ảnh 2

Tại đại hội, các cổ đông thảo luận và thấy rằng cần thêm thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways. Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất.

Đối với nội dung trên, đại diện Bamboo Airways cho biết kết quả này trong ngắn hạn không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hiện tại của hãng hàng không.

“Nguyên tắc cốt lõi khi thực hiện tái cơ cấu của Bamboo Airways là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính và ổn định hoạt động của Bamboo Airways, từ đó tạo động lực để hướng tới các mục tiêu trong trung và dài hạn, mang lại giá trị gia tăng cho cả cổ đông và khách hàng”, đại diện HĐQT CTCP Bamboo Airways cho biết.

Việc tái cơ cấu khoản vay và tăng vốn là một trong những nhóm mục tiêu được ưu tiên của Bamboo Airways, nhằm củng cố vị thế một trong ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nội tại nổi bật là: Dịch vụ hàng không chất lượng, tự tâm - Mạng đường bay liên vùng, liên châu lục tăng trưởng mạnh mẽ - Tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam.

Đặc biệt, nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng, cùng cung cách phục vụ tự tâm cho hành khách trong và ngoài nước.

Hiện Bamboo Airways khai thác hơn 40 đường bay nội địa, kết nối 22/22 cảng hàng không Việt Nam. Mạng bay quốc tế cũng không ngừng được mở rộng với 14 đường bay thẳng quốc tế thường lệ, kết nối nhiều sân bay cửa ngõ của châu Á, châu Úc, châu Âu… Hãng đặt mục tiêu nâng quy mô đội bay lên 65 máy bay vào năm 2025.

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, Bamboo Airways đang xúc tiến xây dựng từng bước hệ sinh thái bổ trợ cho hàng không, mở rộng các doanh nghiệp trong lĩnh vực như cung ứng phục vụ mặt đất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng suất ăn, vận tải hàng hóa…

Tại đại hội, chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết Bamboo Airways đang lỗ. Thời gian qua Bamboo Airways trải qua rất nhiều khó khăn, trước tiên là đại dịch COVID-19, sự cố với cựu chủ tịch trong thời gian qua. Trong 3 năm qua, dù rất nhiều khó khăn, Bamboo Airways vẫn duy trì hoạt động liên tục, mỗi năm tăng thêm 10 tàu bay. Theo báo cáo gần nhất, Bamboo Airways đang chiếm 18% thị phần nội địa. Trong quý 1/2023, Bamboo Airways gần như đã đạt điểm hòa vốn.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Bamboo Airways, trong kế hoạch, năm nay hãng dự kiến tăng thêm 6 - 8 máy bay, sang năm 2024 thêm 10 máy bay và đạt điểm hoàn vốn, đến năm 2025 có lãi và khả năng năm 2026 - 2026 có thể niêm yết.

Tin Cùng Chuyên Mục